Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối phó với hàng nhập khẩu bán phá giá: Có công cụ nhưng chưa sử dụng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) trong nước vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng hoá ngoại nhập giá rẻ. Để chiếm lĩnh thị trường, phía nước ngoài không loại trừ các hành vi cạnh tranh như bán phá giá, bán hàng hoá được trợ cấp…

KTĐT - Trong những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) trong nước vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với hàng hoá ngoại nhập giá rẻ. Để chiếm lĩnh thị trường, phía nước ngoài không loại trừ các hành vi cạnh tranh như bán phá giá, bán hàng hoá được trợ cấp… gây thiệt hại đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước, dẫn đến nguy cơ "thua ngay trên sân nhà".

Để giữ được sân nhà, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là cần thiết, thế nhưng các DN Việt Nam hiện vẫn chưa sử dụng hữu hiệu biện pháp này mặc dù các công cụ phòng vệ đều đã có. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo "Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu: DN Việt Nam cần trang bị những gì?" do Bộ Công thương tổ chức ngày 28/7.


Doanh nghiệp chưa hiểu luật


Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, chỉ trên 66% DN hiểu các nội dung cơ bản của các Hiệp định trong khuôn khổ WTO. Trong khi chỉ chưa đầy 35% DN hiểu các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan đến ngành và lĩnh vực của chính mình. Có lẽ vì thế mà đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào chủ động khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài.


Có như vậy là do hiểu biết của các Hiệp hội, DN trong việc sử dụng các công cụ khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu còn nhiều hạn chế.


Ở một hình thức tự vệ khác là khởi động điều tra chống bán phá giá, ông Nguyễn Văn Tam, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng việc này cũng không dễ mà được. Ông Tam dẫn chứng: Trước đây Hiệp hội Thép đã liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh để khởi kiện thép cuộn giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, Cục yêu cầu các DN phải chứng minh được giá thành sản xuất của thép Trung Quốc là bao nhiêu, bán thấp hơn chi phí sản xuất như thế nào, ảnh hưởng đến hàng hóa trong nước ra sao mới có căn cứ để khởi kiện. "Nhưng các doanh nghiệp vì nhiều lý do khác nhau đã không thể làm được việc này nên mong muốn khởi kiện thời điểm đó bất thành và thép giá rẻ Trung Quốc vẫn vào Việt Nam", ông Tam nói.


Bên cạnh đó, hiện có tình trạng một số hiệp hội mà nhiều thành viên bị chi phối bởi các mâu thuẫn lợi ích khác nhau nên chưa thể đoàn kết để chống lại hàng nhập khẩu bán phá giá thông qua các biện pháp tự vệ thương mại kể trên. Lãnh đạo một số hiệp hội cho rằng, với nhiều doanh nghiệp, việc họ quan tâm hàng đầu ở thị trường nội địa là chất lượng hàng hóa thật tốt và giá cả, chi phí sản xuất cạnh tranh. "Đó là biện pháp tự phòng vệ mà chúng tôi quan tâm nhất", ông Nguyễn Văn Thụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nói.


Cần mạnh dạn


Theo Thứ trưởng Bộ Công thương- Lê Danh Vĩnh: Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nhập khẩu, các DN Việt Nam có quyền yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu. Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: Những biện pháp này được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng, trong đó, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như: Chống bán phá giá; Chống trợ cấp và tự vệ là những biện pháp tốt nhất giúp bảo vệ DN chống lại các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu. Những biện pháp này còn giúp doanh nghiệp có một cái nhìn tổng quát về thị trường, qua đó xây dựng chính sách kinh doanh cho phù hợp với các cam kết gia nhập WTO.


Để các công cụ này thực sự phát huy tác dụng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của DN chứ không phải là một công cụ để DN lạm dụng, ỷ lại thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nâng cao nhận thức cho DN về biện pháp này. Qua đó, sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rằng đây là các công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ DN có muốn bảo vệ lợi ích của mình hay không là nằm ở tâm lý của doanh nghiệp, trong khi Bộ Công thương sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ DN trong việc hoàn tất các thủ tục hành chính cho DN khi khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài phá giátừ đó góp phần bảo vệ sản xuất trong nước trước sức ép của hàng nhập khẩu.