Đối sách linh hoạt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm tạo dấu ấn trên chính trường trong nước với kế hoạch chống tham nhũng bài bản và củng cố vị thế của Trung Quốc, trong thông điệp năm mới 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy quyết tâm thực hiện những đối sách linh hoạt để thực hiện "giấc mơ Trung Hoa".

Chiến dịch “đả hổ đập ruồi”

Không chọn Đại lễ đường Nhân dân Trung Hoa như các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, trong thông điệp năm mới lần đầu tiên được phát đi từ văn phòng Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã một lần nữa nhấn mạnh đến cụm từ "giấc mơ Trung Hoa", vốn đã được nêu lần đầu tiên trong bài diễn văn nhậm chức. Ngay trong ngày đầu tiên trở thành nguyên thủ quốc gia, ông Tập Cận Bình đã phát đi thông điệp: "Giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ của cả đất nước và cũng là giấc mơ của mỗi người dân. Vào giữa thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hòa hợp". Để hiện thực hóa giấc mơ này, ông Tập đã không ngần ngại mà triển khai chiến dịch "đả hổ đập ruồi" nhằm triệt tiêu nạn tham nhũng từ các quan chức cấp cao trong bộ máy trung ương, đến tệ nạn tham nhũng vặt.

 
Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thông điệp năm mới 2014.	 Ảnh: AP
Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thông điệp năm mới 2014. Ảnh: AP

Ngoài những con hổ lớn mà ông Tập đã "đánh" được như Bạc Hy Lai - ngôi sao mới của chính trường Trung Quốc, hay Chu Vĩnh Khang - nhân vật có thế lực chi phối lực lượng hành pháp Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thuộc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Dương Cương…, con số hơn 100.000 quan chức bị xử lý vì tham nhũng cho thấy quyết tâm thực hiện chiến dịch "đả hổ đập ruồi" của chính quyền. Trong một diễn biến mới nhất, hôm 6/1, bà Trịnh Hưng Hoa - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc đang bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật của tỉnh điều tra do liên quan đến các hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Ưu tiên ngoại giao kinh tế

Trong khi sử dụng các biện pháp "mạnh tay", cứng rắn để đối phó với tình trạng tham nhũng trong nước, chiến lược ngoại giao toàn diện của Trung Quốc trong năm 2014 đã xác định ngoại giao kinh tế là một ưu tiên chủ yếu. Theo đó, Bắc Kinh sẽ xúc tiến ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương; đẩy nhanh tiến độ phát triển vành đai kinh tế "Con đường tơ lụa" và "Con đường tơ lụa" trên biển thế kỷ XXI. Theo kế hoạch, chính sách ngoại giao kinh tế này sẽ giúp Trung Quốc đạt kim ngạch mục tiêu 1.000 tỷ USD với các nước thành viên ASEAN và kim ngạch song phương Nga - Trung đạt 200 tỷ USD vào năm 2020.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh cũng sẽ tham gia tích cực vào quá trình cải cách quản trị kinh tế quốc tế để có được tiếng nói có trọng lượng hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn kinh tế và thương mại quốc tế, nhằm tạo lập một trật tự kinh tế toàn cầu hợp lý hơn. Những ưu tiên ngoại giao này cho thấy quyết tâm rất thực dụng của Trung Quốc vì sự thịnh vượng của quốc gia và lợi ích chung trong khu vực.