Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi thay diện mạo từ những dự án bất động sản

TS.KTS Hoàng Hữu Phê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục đích mở rộng địa giới là để Hà Nội xứng tầm một trung tâm chính trị, hành chính, đô thị đa chức năng. Trong đó, việc hình thành các khu đô thị mới chính là để làm thay đổi cấu trúc đô thị và hình thành phong cách sống mới - phong cách ở nhà cao tầng.

Trong suốt 15 năm qua, các dự án bất động sản đã đóng góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của Thủ đô.

Mở rộng địa giới - nâng sức cạnh tranh

Thủ đô đa chức năng, có sức cạnh tranh cao là xu thế phát triển tất yếu, khách quan. Ta hãy xem chúng ra đời như thế nào?

Canberra tách từ thủ đô tạm thời Melbourne năm 1927 như một giải pháp nhượng bộ giữa TP này và Sydney; Brasilia tách từ Rio de Janero năm 1960 bởi các nhà chính trị cho rằng đô thị này đã quá đông đúc, chật chội và thủ đô phải nằm ở trung tâm địa lý của đất nước; Putrajaya tách từ Kualar Lumpur 2002 để trở thành trung tâm chính trị - hành chính mặc dù quốc hội vẫn ở Kuala Lumpur.

Một trong các mục đích của việc tách này là nhằm tạo điều kiện cho Kuala Lumpur tiếp tục phát triển như một trung tâm tài chính - giao dịch. Như ta thấy, logic của sự tiến hóa, hay nói cách khác là động học của quá trình phát triển các TP thủ đô, bao giờ cũng hướng về việc trở thành đô thị cạnh tranh về mặt kinh tế.

Trong những năm qua diện mạo đô thị Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Phạm Hùng
Trong những năm qua diện mạo đô thị Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Phạm Hùng

Một số TP được ấn định từ đầu làm thủ đô vì các lý do chính trị, kinh tế và sự đồng thuận. Ngoài chức năng chính trị - hành chính ban đầu, những đô thị này dần dần phát triển thành trung tâm thương mại và giao dịch lớn (Berlin, Bangkok, Hà Nội).

Một số trung tâm kinh tế nổi bật của một vùng hay một đất nước thu hút quyền lực chính trị và nhân tài, sau đó trở thành trung tâm chính trị - hành chính (thủ đô) nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ như những đô thị đa chức năng (Moscow, Jakarta).

Trong khi đó, một số đô thị - thủ đô mới, hoặc đúng hơn là trung tâm chính trị - hành chính, được tách ra từ TP thủ đô đã có, nhằm mục đích khác nhau như: Canberra tách từ Melbourne, Brasilia tách từ Rio de Janeiro, Putrajaya tách từ Kuala Lumpur, Naypyidaw tách từ Rangoon...

Như vậy, chưa có bằng chứng một TP - thủ đô nào, trong điều kiện bình thường, lại đang từ một đô thị đa chức năng thành công mà đi từ bỏ các năng lực về cạnh tranh kinh tế để trở thành chỉ là một trung tâm chính trị - hành chính (thủ đô) đơn thuần.

Tại sao? Theo tôi, đơn giản là vì việc ấn định một TP nào đó làm thủ đô thì dễ hơn rất nhiều so với việc xây dựng một đô thị đa chức năng thành công. Nói cách khác, một đô thị thành công, tức là có khả năng cạnh tranh kinh tế cao, đồng thời là một thủ đô thành công nhưng một TP chỉ có chức năng chính trị - hành chính thì không chắc có thể cạnh tranh.

Hà Nội, ngay từ lúc mới thành lập, đã là một TP đa chức năng có thể nói là thành công. Ban đầu hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện dựa vào sông Hồng đã làm cho thương mại - giao dịch phát triển. Vị trí Thủ đô khiến cho các ngành dịch vụ và thủ công truyền thống đóng một vai trò quan trọng. Kết quả của công cuộc công nghiệp hóa từ năm 1954 đã đưa Hà Nội từ một TP tiêu thụ thành một TP sản xuất.

Hiện nay, Hà Nội là một đầu mối kinh tế - giao dịch, văn hóa, khoa học công nghệ và giao thông quan trọng nhất nước. Những chức năng khác như giáo dục - đào tạo chẳng hạn, Hà Nội chiếm đến 62 % cơ sở giáo dục đại học của cả nước, đây chính là tiền đề phát triển kinh tế tri thức.

Quan sát hướng chuyển động cơ cấu kinh tế của Hà Nội cũng như của dòng vốn FDI có liên quan đến công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu triển khai (R&D) tại Hà Nội và khu vực lân cận (Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc...), căn cứ vào tài nguyên con nguời sẵn có, ta thấy rằng mục tiêu hướng Hà Nội đến mô hình một đô thị - thủ đô của tri thức và tiện nghi là hoàn toàn hiện thực.

Mục tiêu này, với những đặc trưng sử dụng không gian của nó trong tương lai nhìn thấy được, không mâu thuẫn gì với chức năng chính trị - hành chính của Hà Nội. Ngược lại, chức năng chính trị - hành chính, hay nói cách khác, là vị thế Thủ đô của Hà Nội, sẽ góp phần làm cho mô hình này được bổ sung thêm những chức năng mới, phù hợp với xu thế thời đại, đồng thời có sức cạnh tranh lớn hơn.

Như vậy có thể khẳng định, nếu 15 năm trước chúng ta không mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội thì sẽ mất đi cơ hội để cạnh tranh, mặc dù thời điểm đó mở rộng cũng không còn được đánh giá là sớm.

Cấu trúc đô thị và phong cách sống mới

Theo các quan điểm mới nhất, cấu trúc đô thị Hà Nội là một phần hợp thành của một cơ cấu đô thị rộng lớn hơn, được gọi là quy hoạch Vùng Hà Nội.

Đây chắc chắn là một bước tiến quan trọng trong tư duy phát triển đô thị, như một động thái đáp ứng sự cần thiết phải đưa ra một chiến lược đô thị nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Vùng Hà Nội. Trong đó, một số nội dung được nhấn mạnh:

Hà Nội được coi là trung tâm của một vùng đô thị, được hình thành như một hành lang phát triển bao gồm hai cực chính là Hà Nội và Hạ Long - Hải Phòng; Hà Nội nhấn mạnh hướng phát triển lên phía Bắc sông Hồng - một hệ thống đô thị đối trọng và đô thị vệ tinh được thiết lập để giãn mật độ tại TP trung tâm.

Trong tầm nhìn về phát triển đô thị, ngoài việc là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, TP Hà Nội hoàn toàn có đủ khả năng để đóng một vai trò quan trọng, hay nói cách khác, là ở trên một nấc thang cao, trong hệ thống đô thị của khu vực và toàn cầu. Vấn đề là ở chỗ, TP sẽ chọn đầu là hướng phát triển ưu tiên của mình?

Cảnh quan đô thị và điều kiện địa lý tự nhiên của Hà Nội, với các vùng ngoại ô rộng lớn chưa phát triển, đủ tiềm năng tạo các mức độ tiện nghi đô thị cao và siêu cao.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan trong suốt thời gian qua, Hà Nội đã tạo lập được mạng lưới các khu đô thị mới hiện đại, đáp ứng với nhu cầu của lớp công dân trẻ tuổi, có chuyên môn cao, thu nhập tương ứng. Trong đó có 2 dự án bất động sản quan trọng làm thay đổi cấu trúc đô thị - hình thành phong cách sống mới và tạo mối liên hệ chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội.

Đầu tiên, đối với dự án giúp hình thành phong cách sống mới – phong cách ở nhà cao tầng. Xét về phương diện cấu trúc đô thị, Trung Hòa - Nhân Chính có đủ các tiềm năng quan trọng để trở thành một cực phát triển trong quá trình TP  Hà Nội chuyển dần từ mô hình đơn cực thành mô hình đa cực. Vì đây là nơi có liên hệ rất tốt đến cả Vành đai 2, Vành đai 3.

Thực chất đây chính là nơi đường Vành đai 2 và Vành đai 3 tiến gần đến nhau nhất (ở khoảng cách chỉ vỏn vẹn 800m). Điều này có nghĩa Trung Hòa - Nhân Chính có khả năng tiếp cận rất cao đối với gần như toàn bộ các khu vực khác trong TP.

Đáng chú ý, nằm tại nơi xuất phát của đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, đây chính là cửa ngõ hướng Tây của Hà Nội, một hướng phát triển đô thị được dự báo từ đầu những năm 2000 và tầm quan trọng của dự báo này ngày càng được thể hiện rõ trong quyết định của Quốc hội khóa XII mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008.

Ban đầu chỉ là khu ruộng lúa không có các công trình xây dựng, tại đây có thể tạo ra một hệ thống hạ tầng kỹ thuật mới hoàn toàn thích hợp với các yêu cầu hiện đại, tạo ra một phong cách sống mới liên quan đến nhà cao tầng.

Cho đến nay, những gì đã được kỳ vọng và dự báo đối với Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính đã không còn nằm trên giấy hay loay hoay vật vã trong các cuộc tranh luận. Vào buổi chiều, ai đi qua đây sẽ thấy đông đúc trẻ em và người già nghỉ ngơi, vui đùa, tập thể dục nhịp điệu tưng bừng trên gần 4ha của hai quảng trường cạnh nhau, tuyệt đối không phải đối mặt với nguy hiểm của giao thông cơ giới. Và khi đêm đến, gần như tất cả các ô cửa đều sáng đèn.

Nếu câu châm ngôn của ngành bất động sản là “vị trí, vị trí và vị trí”, thì khu đô thị An Khánh sẽ thỏa mãn những nhu cầu khắt khe nhất.

Khoảng cách đến trung tâm Hà Nội, vào khoảng 12km, tạo cho đô thị này khả năng trở thành một cực phát triển, dựa trên các tiềm năng tạo ra và thu hút việc làm tại chỗ trong khu vực dịch vụ cao cấp (producer services), các dạng giao thông transit có năng lực cao, ít ô nhiễm (chẳng hạn như maglev - tàu chạy trên đệm từ) sẽ mang nhân lực cao cấp từ trung tâm Hà Nội và khu vực lân cận của Đại học Quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc... đến giao dịch, làm việc hằng ngày ở đây với chi phí thời gian đi lại không quá một phần tư giờ đồng hồ.

 

 

Với tất cả tầm quan trọng của yếu tố tự nhiên, đô thị là một sáng tạo quan trọng của xã hội loài người và sự thành công hay thất bại của đô thị không bao giờ ngẫu nhiên. Những suy nghĩ về cấu trúc đô thị Hà Nội hiện nay, bao gồm vai trò của các đô thị vệ tinh (hay tiểu trung tâm, TP thứ cấp) có thể coi như là công việc chuẩn bị thận trọng cho một kịch bản can thiệp khôn ngoan nhằm đạt tới tính cạnh tranh cao của
Hà Nội, như một đô thị của kiến thức, tiện nghi, trong mạng lưới đô thị khu vực và trên thế giới.

 

Nếu theo đề nghị của nhóm tác giả, một tuyến đường tàu từ Bắc An Khánh được nối với tuyến đường sắt vòng ngoài chạy sát khu đô thị từ phía Đông và dẫn thẳng đến sân bay quốc tế Nội Bài, đây sẽ là một liên hệ lý tưởng, tương lai, các DN tại đây có thể làm thủ tục check-in vé máy bay của họ ngay khi tàu cao tốc rời ga Bắc An Khánh, đưa họ vào thẳng phòng đợi lên máy bay, tiết kiệm thời gian, giảm phiền hà đáng kể.

Việc này vẫn cần thêm thời gian để nghiên cứu và huy động nguồn lực đầu tư nhưng với vị trí hiện nay, Khu đô thị An Khánh đang có vai trò đặc biệt quan trọng trong mối liên hệ chiến lược đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.