Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Châu Sơn (huyện Ba Vì) là một xã thuần nông, thu nhập của người dân hằng năm chủ yếu trông chờ vào hai vụ lúa và một vụ màu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Nhưng đến nay, Châu Sơn đang từng ngày “thay da đổi thịt”, có được kết quả đó là nhờ vào hoạt động xuất khẩu lao động.
Sau khi trở về từ Đài Loan chị Lê Thị Nguyệt đã có vốn để xây nhà và mở cửa hàng buôn bán phát triển kinh tế
Sau khi trở về từ Đài Loan chị Lê Thị Nguyệt đã có vốn để xây nhà và mở cửa hàng buôn bán phát triển kinh tế
Ngôi nhà 3 tầng của gia đình chị Nguyễn Thị Hải (thôn Hạc Sơn - Châu Sơn) được anh chị xây cách đây vài năm với đầy đủ tiện nghi như ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh, điều hòa... Ngoài ra, anh chị còn sắm được xe ô tô cùng với nhiều thiết bị, đồ dùng sinh hoạt hiện đại khác.

Chị Hải cho biết, trước đây, cuộc sống của gia đình chị gặp không ít khó khăn do không có nghề phụ. Kinh tế gia đình luôn thiếu thốn vì chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, vườn, chăn nuôi trong khi phải nuôi 3 con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học. Với mong muốn đưa kinh tế gia đình đi lên, năm 2001, chị Hải đã chọn hướng đi xuất khẩu lao động. Mới đầu, công việc chưa quen chị cũng gặp không ít khó khăn nhưng khi quen người, quen việc thì thu nhập của chị dần ổn định. Với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, sau một thời gian ngắn chị có tiền gửi về nhà trả hết nợ. Sau 8 năm đi xuất khẩu lao động, cuộc sống vật chất của gia đình chị đổi thay trông thấy, đời sống tinh thần cũng được cải thiện. Bằng đồng vốn tích cóp sau thời gian lao động đầu tư cho sản xuất, đến nay anh chị đã mua được đất, xây được nhà khang trang và mở một cửa hàng bán thức ăn gia súc, ba người con của anh chị được ăn học đến nơi đến chốn.

Cách gia đình chị Hải không xa là gia đình chị Lê Thị Nguyệt. Cuộc sống trước đây của hai vợ chồng chị Nguyệt cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải bươn trải nhiều nghề để mưu sinh nhưng cái nghèo vẫn đeo bám. Từ khi chị Nguyệt đi xuất khẩu lao động cuộc sống của vợ chồng anh chị thay đổi hẳn. Xây được nhà 3 tầng khang trang, sắm sửa tiện nghi sinh hoạt cho gia đình. Không những xây nhà, trả nợ, mua đồ dùng sinh hoạt đầy đủ mà gia đình anh chị có điều kiện cho con cái ăn học đoàng hoàng.

Là xã ven sông của huyện Ba Vì với diện tích tự nhiên hơn 3,5km2, có 1.200 hộ dân với hơn 4.700 nhân khẩu, phong trào đi xuất khẩu lao động phát triển mạnh ở Châu Sơn từ hơn chục năm nay. Cũng từ xuất khẩu lao động mà vùng quê nghèo ngày nào giờ đã thay da đổi thịt, những ngôi nhà lụp xụp trước kia được thay thế dần bằng những ngôi nhà cao tầng khang trang nối tiếp nhau. Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết, hiện nay, Châu Sơn có trên 400 lao động đang làm việc ở các nước Ma Cao, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar… Có thời điểm cả xã có trên 600 lao động làm việc ở nước ngoài với nhiều ngành nghề như giúp việc, xây dựng, lao động phổ thông… Có gia đình 4 người thì có 3 người đi xuất khẩu lao động. Số người đi lao động ở nước ngoài đã tác động tích cực đến nhiều mặt xã hội, nhận thức của người dân được nâng lên, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu đến tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, có tính kỷ luật cao. Thu nhập nhờ xuất khẩu lao động ổn định, không những đời sống của gia đình được cải thiện mà họ còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Châu Sơn được biết đến là một trong những địa phương có số người đi xuất khẩu lao động đông nhất huyện Ba Vì. Kết quả tích cực từ xuất khẩu lao động đã giúp Châu Sơn khởi sắc từng ngày. Thu nhập bình quân của người dân cao góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thực tế cho thấy, nếu thực hiện tốt chủ trương của Đảng thì việc đưa người ra nước ngoài lao động là con đường xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Mặt khác, ra nước ngoài lao động là dịp tốt để mỗi người học hỏi, tiếp cận với môi trường, kỷ luật lao động tiên tiến nhằm giúp thay đổi những thói quen lao động tự do, trì trệ sau này khi về nước.