Đổi thay ở một xã nghèo

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở phía Tây huyện Mỹ Đức, xã An Phú là địa phương vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của Hà Nội. Dẫu vậy, việc triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo chuyển biến đậm nét trong đời sống đồng bào nơi đây.

Nhân dân chung sức dựng xây

Năm 2012, xã An Phú bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM. Thời điểm đó, xã chỉ có 1/19 tiêu chí đạt. Giá trị sản xuất/ha đất canh tác đạt 56 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người chưa đến 7 triệu đồng/năm; trong khi tỷ lệ hộ nghèo cũng còn chiếm gần 26,3% tổng số hộ dân.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Đảng uỷ xã An Phú đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng NTM; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo chức năng chuyên môn. Hàng năm, HĐND xã ban hành Nghị quyết phân bổ và huy động các nguồn lực để thực hiện xây dựng NTM; các biện pháp thông tin, tuyên truyền nhằm vận động Nhân dân tham gia xây dựng NTM cũng được tăng cường...

Diện mạo xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đã có nhiều đổi thay tích cực sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Diện mạo xã An Phú (huyện Mỹ Đức) đã có nhiều đổi thay tích cực sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2021, địa phương đã huy động được khoảng 514 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Dù đời sống còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, đồng bào các dân tộc trên địa bàn cũng chung sức, đóng góp 1.500 ngày công; hiến đất, vật tư và tiền mặt với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng để nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM.

Trên cơ sở đánh giá việc hoàn thiện các tiêu chí, đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã có quyết định công nhận xã dân tộc thiểu số An Phú về đích NTM. Đây được xem là thành quả đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện của địa phương nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Mỹ Đức.

Phát huy tốt quy chế dân chủ

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang, nguyên là Bí thư Đảng uỷ xã An Phú, bắt tay vào xây dựng NTM, chính quyền các cấp xác định đây là chương trình lớn, tổng thể, toàn diện, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó trong quá trình triển khai thực hiện, xã đã chọn những giải pháp mang lại hiệu quả caom phù hợp với đặc điểm của địa phương. 

 

“Xã An Phú cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bám sát quan điểm, mục tiêu của huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội để đề ra được chương trình xây dựng NTM những năm tiếp theo phù hợp và sát với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, và phát huy vai trò giám sát của HĐND xã trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân…” - Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã đánh giá đúng thực trạng, tìm ra tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân bằng việc xây dựng cánh đồng lúa năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó là phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại.

Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền, Chủ tịch UBND xã An Phú Bùi Văn Chuyện cho biết, địa phương nỗ lực vận động, giáo dục, thuyết phục bằng nhiều hình thức để đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ, cũng như thấy được tầm quan trọng việc xây dựng NTM; từ đó tích cực tích cực tham gia ủng hộ mục tiêu xây dựng NTM.

Đại diện UBND xã cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy tốt quy chế dân chủ công khai, minh bạch; gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục kịp thời.

Trong giai đoạn tới, xã An Phú sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt quy hoạch, đề án xây dựng NTM. Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Thúc đẩy các ngành nghề nông thôn, thương mại dịch vụ phù hợp với tiềm năng của địa phương. Đồng thời, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất tốt nhằm nâng cao giá trị cho nông sản và cải thiện thu nhập của đồng bào vùng dân tộc.