Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi thay ở Thạch Thất

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều quan trọng để Thạch Thất giảm nghèo bền vững trong 10 năm qua là sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và những giải pháp song hành mà hộ nghèo thực hiện được.

 Bà Kim Khánh bên ngôi nhà vừa được huyện Thạch Thất xây tặng từ nguồn vận động xã hội hóa và Quỹ Vì người nghèo. Ảnh: Trần Oanh
Tạo việc làm cho mọi đối tượng
Mỗi ngày, từ sáng sớm đến chiều tối, hai bên đường Tỉnh lộ 419 kéo dài khoảng 10km từ Đại lộ Thăng Long đi qua trung tâm huyện Thạch Thất là các xưởng cơ kim khí và xưởng gỗ san sát nhau, luôn rền vang tiếng máy khoan cắt kim loại, cưa xẻ gỗ. Nơi đây, thu hút nhiều lao động đến từ 23 xã và thị trấn của huyện Thạch Thất đến làm việc. Đi sâu vào bên trong là những con đường liên thôn xã được bê tông đến tận ngõ xóm - nơi có nhiều ngôi nhà khang trang thể hiện sự đổi thay, sức sống mới của vùng ngoại ô TP.
Chia sẻ với chúng tôi về công tác xóa đói giảm nghèo của Thạch Thất trong 10 năm qua, ông Nguyễn Hoàng Anh - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện cho hay: “Công tác giảm nghèo luôn được địa phương chú trọng. Chẳng hạn, hộ nào nghèo vì không có việc làm sẽ được giới thiệu việc, hộ nghèo vì không có tay nghề sẽ được bố trí đào tạo nghề, hộ thiếu vốn sản xuất sẽ được chúng tôi kết hợp với ngân hàng khảo sát cho vay tiền, gia đình nào tâm huyết và có khả năng chăn nuôi bò sinh sản sẽ được tặng bò… Nếu giai đoạn 2005 – 2008, Thạch Thất có gần 3% hộ nghèo tính theo chuẩn nghèo T.Ư, thì đến tháng 12/2017, giảm còn 2,66% (1.434 hộ) chuẩn nghèo của Hà Nội.
Bên cạnh những cơ chế được TP mở ra tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển thì điều quan trọng nhất là việc làm. Để công tác giảm nghèo thực sự bền vững, mong TP điều chỉnh vốn vay cho người nghèo chuyển sang vốn tạo việc làm để số tiền cho vay tăng lên, hộ nghèo sẽ thuận lợi hơn trong sản xuất cũng là cách tốt nhất để tránh được tái nghèo.

Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh
Để minh chứng cho kết quả giảm nghèo rất đáng khích lệ đó, ông Nguyễn Hoàng Anh đưa ra những lợi thế mà Thạch Thất đang có: Huyện có khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hầu hết những DN đang hoạt động tại hai khu này đều là khâu then chốt bố trí việc làm cho người lao động của các xã trong huyện.
“Vừa rồi, chúng tôi đi khảo sát người lao động làm việc tại các DN, nhận thấy hầu hết mọi người đều hưởng lương tháng 6 - 8 triệu đồng/tháng, thậm chí có người 10 triệu đồng/tháng, những ai làm công việc nhẹ nhàng lương 4,5 triệu đồng/tháng. Đối với những lao động không có khả năng và điều kiện làm việc ở khu công nghiệp, lãnh đạo xã bố trí vào DN vừa và nhỏ trên địa bàn hoặc làm nhân viên vệ sinh” – ông Hoàng Anh cho biết thêm.

Với huyện Thạch Thất, 10 năm qua kể từ khi được sáp nhập vào Hà Nội, điển hình trong công tác giảm nghèo không thể không nhắc đến 3 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Năm 2008, Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân có tỷ lệ hộ nghèo rất cao (lần lượt là 14,50%, 12,10% và 14,30%); nhưng đến năm 2011 lại tăng lên thành 18,8%, 14,46% và 19,26%.
Nhờ xác định được nguyên nhân nghèo của từng hộ cũng như đưa ra những giải pháp sát thực nên cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tiến Xuân giảm còn 2,38%; Yên Trung 2,10%; Yên Bình 2,06%, thấp nhất huyện. Chia sẻ về kết quả này, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết: 2012 là năm đầu tiên TP Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ nhà, có xã 28 - 29 hộ được xây nhà mới. Thứ nữa, hệ thống đường giao thông, trường, trạm của 3 xã được đầu tư xây dựng khang trang, thuận tiện. Cộng với nhiều lao động được bố trí đi làm việc ở khu công nghiệp có thu nhập khá. Nhờ tham gia các lớp tập huấn áp dụng khoa học kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm, các hộ gia đình làm nông nghiệp đã biết cách khai thác vườn tược, ao hồ, chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
 Ảnh: Trần Oanh
Để hộ nghèo yên tâm làm việc

Xây nhà ở cho hộ nghèo cũng là một trong những giải pháp được huyện chú ý thực hiện trong những năm qua. Trong khi các quận, huyện khác dùng ngân sách của TP để xây, sửa nhà cho người nghèo, thì Thạch Thất lại có hướng đi riêng. Đơn cử, năm 2017, sau khi kiểm tra tình trạng nhà ở xuống cấp của hộ nghèo, có 105 nhà phải sửa chữa và xây mới, Phòng LĐTB&XH huyện đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với MTTQ huyện ban hành kế hoạch xây sửa nhà ở xuống cấp cho hộ nghèo. Đồng thời, UBND huyện gửi thư kêu gọi vận động các cơ quan, DN ủng hộ kinh phí. Trong năm này, cùng với nguồn xã hội hóa và Quỹ Vì người nghèo, đã có 45 căn nhà được xây mới và sửa chữa 27 nhà với số tiền 3,2 tỷ đồng.
Phó trưởng Phòng LĐTB&XH Thạch Thất Nguyễn Quyết Thắng thông tin thêm: “Huyện đã vận động các DN, cán bộ, công chức ủng hộ một ngày lương. Khi đã có kinh phí, UBND huyện giao cho Phòng Quản lý đô thị thiết kế một mẫu nhà chung trị giá 60 triệu đồng và hợp đồng với một DN đứng ra xây dựng. Khi những ngôi nhà hoàn thiện được tặng lại cho các hộ nghèo”.

Ông Thắng dẫn chúng tôi đến ngôi nhà vừa mới xây xong dành tặng cho một hộ nghèo ở thôn Phú Nghĩa, xã Phú Kim. Trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà bán mái lợp tôn lạnh, hai gian có diện tích chừng 30m2, nền lát gạch đá hoa, cửa nhôm kính rất đẹp và khang trang.
Bà Nguyễn Thị Kim Khánh, làm nghề trông trẻ, sức khỏe yếu, thu nhập bấp bênh, không nén được xúc động: “Trước đây tôi và con gái ở trong ngôi nhà 15m2 vừa là nơi ngủ, nghỉ, nấu ăn… Trời nắng, hơi nóng từ tấm lợp Fibro xi măng tỏa ra; ngày mưa, trong nhà như ngoài sân, phải dùng xô chậu hứng nước. Được ở trong ngôi nhà mới 5 tháng rồi, nhưng tôi vẫn ngỡ mình nằm mơ” - người phụ nữ 59 tuổi chia sẻ.

Tính đến hết năm 2017, toàn huyện Thạch Thất có 1.434 hộ nghèo, tỷ lệ 2,66%. Trong đó với 627 hộ có khả năng thoát nghèo, huyện đã xác định nguyên nhân và nhu cầu của từng hộ để đưa ra giải pháp hỗ trợ phù hợp. Toàn huyện phấn đấu đến cuối năm 2018 giảm được 250 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 2,66% giảm xuống còn 2,20%, trừ đối tượng bảo trợ xã hội tỷ lệ hộ nghèo sẽ còn 0,71%.
Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh cho biết, từ nhu cầu của hộ nghèo và các giải pháp được đưa ra, đến trung tuần tháng 5/2018, huyện giải quyết việc làm cho 89/153 lao động có nhu cầu; cho 202/388 hộ có nhu cầu vốn sản xuất số tiền 6.360 triệu đồng. Dự kiến, trong tháng 6 sẽ tặng bò sinh sản cho 35 hộ nghèo với tổng số tiền 630 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo huyện và huy động từ các nguồn xã hội hóa.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Thạch Thất phấn đấu không còn hộ nghèo (không tính số hộ thuộc diện bảo trợ xã hội sẽ được hưởng các chế độ chính sách theo quy định). Bên cạnh việc quan tâm sát sao đến từng hộ nghèo, huyện cũng chú ý đến 1.844 hộ cận nghèo bằng cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh nghiệm nuôi trồng và chính sách bảo hiểm y tế.