Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đổi thay trước đại dịch

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những ngày qua, quận Đống Đa đón nhận nhiều tin không vui khi số ca mắc Covid-19 tăng. 2 phường Văn Miếu và Văn Chương đã trở thành khu vực cách ly y tế, người dân nội bật xuất, ngoại bất nhập. Trong khó khăn ấy, người dân quận Đống Đa vẫn kiên cường vượt khó, thay đổi thói quen trong sinh hoạt để thực hiện giãn cách, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Vững tinh thần trước áp lực dịch bệnh

Chiều 20/8, theo lịch đi chợ hàng tuần, chị Phạm Thị Hà Vân (phường Quang Trung, quận Đống Đa) được ra ngoài đi chợ theo phiếu do UBND phường phát cho các hộ gia đình. Việc mua bán hàng hóa vẫn diễn ra bình thường cho đến khi trong siêu thị mọi người xì xào về việc có thông tin “Hà Nội cấm người dân ra đường 7 ngày”. Biết được điều này, ai cũng có phần lo lắng, nên người ta lại nhặt thêm mới rau, khay thịt, thùng mì tôm.

“Nghe thông tin này, tôi đã thấy ngờ ngợ. Lướt qua một số hội nhóm trên Facebook, Zalo cũng thấy người ta nói thế. Bởi trước đó, đã nhiều người dự đoán, Hà Nội sẽ tiếp tục giãn cách. Vì vậy, tôi có gọi cho người quen đang làm tại một cơ quan báo chí của Hà Nội để hỏi, anh ấy chỉ nói đấy là tin vớ vẩn, mở báo chính thống mà đọc” – chị Vân chia sẻ. Kết quả, Hà Nội vẫn tiếp tục giãn cách xã hội, còn việc cấm ra đường 7 ngày chỉ là tin giả.
 ''Hà Nội cấm người dân ra đường trong 7 ngày'' là tin giả

Tối 21/8, đi làm về tôi thấy mẹ hỏi: “Ở quận Đống Đa, 20.000 người mắc Covid-19” à con, mẹ vừa đọc thấy trên báo xong. Bà còn khoe đã đi ra siêu thị mua được 4 túi đồ ăn, chất đầy tủ lạnh. Tôi chỉ thở dài hỏi lại: “Mẹ đọc kỹ xem trong báo người ta viết thế nào?”. Lúc sau, bà mới ậm ừ nói lại: “Hóa ra người ta nói cách ly y tế 20.000 người ở 2 phường chứ không phải nhiễm Covid-19. Làm người ta đi mua cả đống đồ”. Ngày nào cũng vậy, hễ có thông tin gì trên nhóm “chat” của các cụ hưu trí về Covid-19 bà đều nắm rất nhanh, và chia sẻ cũng thần tốc.
 Quận Đống Đa thành lập vùng cách ly y tế tại 2 phường Văn Chương và Văn Miếu. 
Quả thực, trong lúc dịch bệnh căng thẳng, đọc tin hay chia sẻ, thậm chí nghe thông tin cũng là một kỹ năng. Trong một lần đi qua một phường của quận Đống Đa, một người bác của tôi chỉ về loa phường nói: “Loa phường cứ 8 giờ là phát, cập nhật đủ thông tin về tình hình dịch Covid – 19 từ trung ương đến Hà Nội theo từng ngày. Thông tin như vậy cho dân là rất tốt, rất kịp thời. Ấy thế mà có khi tai nọ xọ tại kia, vì cái loa kéo của tổ dân phố. Bởi, 2 loa đôi khi đấu nhau chan chát, ai mà không nghe kĩ khéo nhầm vì loa kéo của tổ dân phố có độ trễ thông tin đến cả tuần. Cũng may là toàn ông bà hưu trí ngồi nghe, họ cũng biết cái loa kéo của bà tổ trưởng toàn tin cũ, thi thoảng lại kèm theo một hồi chuông điện thoại vì kết nối bluetooth”.

Thích nghi trong mọi hoàn cảnh

Nhớ về chuyện dịch bệnh, nhiều người ở quận Đống Đa vẫn còn nhớ đến dịch SARs hồi năm 2003. Ngày ấy, những tuyến phố như Lương Định Của, Phương Mai, Giải Phóng – nơi có nhiều bệnh viện cũng vắng tanh không một bóng người. Nhiều người nói rằng, nó giống thời điểm Covid-19 đợt 1 khi Hà Nội thực hiện giãn cách.
Một số người dân sống ở phường Phương Mai, Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, sau thời gian đó không bao giờ họ còn nhầm lẫn giữa còi cứu thương, cứu hỏa và công an. Bởi, họ nghe tiếng còi xe cứu thương như cơm bữa từ sáng đến đêm, giờ cũng vậy, nghe mãi thành quen.
 Đường phố vắng vẻ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Minh An.

Ngoài tiếng còi xe cứu thương, hơn 1 năm qua, thông tin về dịch Covid-19 nghe nhiều cũng thành quen, nhưng không phải quen tai mà là trở thành thói quen trong cuộc sống. Đơn cử như việc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, trẻ con trong nhà giờ đứa nào cũng hát theo, kể cả đứa bé hơn 1 tuổi cũng bi bô – xoa xoa tay theo điệu nhạc “Ghen Cô Vy”. Với người già, tâm ly e ngại khi tiêm vaccine đã giảm bớt, bởi quan điểm đã được thông suốt theo tiêu chí: “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
 Trẻ em vui chơi ở nhà trong mùa dịch. Ảnh: Minh An.

Bên cạnh việc hình thành thói quen mới, người dân ở quận Đống Đa giờ cũng thay đổi nhiều thói quen cũ. Đơn cử như lễ Vu Lan năm nay, chùa Phúc Khánh không còn đống nghịt người chen lấn khấn vái như nhứng năm trước. Thay vào đó, mỗi gia đình quây quần nhau làm cơm, thắp hương, cùng nhau thụ lộc. Ở nhà lâu, nhiều gia đình trẻ giờ mày mò nấu ăn, đứng chung một gian bếp – điều trước đây vì công việc ít khi làm được. Lũ trẻ ngoài giờ học online cũng được rèn thêm thói quen đọc sách – truyện để giảm căng thẳng, thay vì xem ti vi hay điện thoại.

Những chiến binh đương đầu dịch

Mấy ngày đầu thực hiện giãn cách, mọi nẻo đường của quận Đống Đa đều có chốt kiểm soát dịch bệnh. Trong cái nắng gay gắt của ngày hè, lực lượng công an, quân đội, dân quan tự vệ chốt trực ngày đêm. Vì thế ở nhà, người dân nói nhiều đến chuyện “bị chốt kiểm tra” hay xử phạt vì ra ngoài không có lý do chính đáng.
 Chốt kiểm soát phòng chống dịch trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Minh An.

Hiện giờ, các chốt trực đã ít hơn trước, phần lớn do ý thức người dân đã nâng cao hơn. Qua các nhóm zalo của tổ dân phố, người dân quận Đống Đa giờ nói với nhau về chuyện phường mình, quận mình có nhiều “vùng đỏ” giờ đã thành “vùng xanh”. Họ bàn nhau về việc, xung phong tham gia vào các chốt trực để phòng chống dịch.

Buổi tối, đường phố quanh quận Đống Đa giờ vắng vẻ chứ không còn đông đúc như trước. Khắp các khu chung cư, nhà tập thể đâu đâu cũng sáng đèn, người dân ở yên trong nhà. Ở đầu những con ngõ, người ta thấy có nhiều đội ngũ công an, dân quân tự về, các cụ cao tuổi chốt trực “vùng xanh” cho dân nghỉ ngơi.
 Chốt bảo vệ ''vùng xanh'' trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Minh An.

Vừa qua, có mặt tại khu vực đảo tròn Văn Chương lúc 21 giờ, chúng tôi thấy các lực lượng tại chốt trực của phường Khâm Thiên vẫn đang thực hiện nhiệm vụ. Đi sâu thêm vào trong, dọc tuyến đường tại Khu Tập thể H1, H2, H3, có 8 chốt “vùng xanh” của phường Khâm Thiên vẫn đang hoạt động. Các “lão tướng” ở đây chong đèn bám chốt để góp phần giữ “vùng xanh” trên địa bàn. Mọi công việc như đo thân nhiệt, tuyên truyền, kiểm soát người ra vào chốt đều được thực hiện một cách thuần thục.

Dẫu vẫn biết, công cuộc chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận vẫn nhiều gian nan nhưng với tinh thần đoàn kết, người dân quận Đông Đa tin tưởng rằng, sớm thôi, cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.