Đổi thay từ bữa cơm gia đình Hà Nội

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Hà Nội vốn tinh tế và lịch lãm, cái nét thanh lịch ấy thể hiện ngay trong cách ăn uống hay cụ thể hơn là trong mâm cơm hàng ngày.

Thế nhưng, ngày nay bữa cơm trong các gia đình ở Hà Nội đã thay đổi nhiều theo nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại.
Thanh lịch các món ăn

Theo trí nhớ của một người Hà Thành, cũng là đầu bếp chuỗi Hẻm quán Nguyễn Phương Hải, sinh ra và sống cùng bà ngoại trong ngôi nhà nhỏ ở phố Bạch Đằng – Hoàn Kiếm, anh rất nhớ những quy định cách ăn, cách nấu các món của bà đặt ra. Anh chia sẻ, hầu hết các gia đình Hà Nội thời bấy giờ đều tuân thủ một cách tự nguyện, vui vẻ và nghiêm ngặt, trở thành thói quen, nếp sống không cần ai nhắc nhở. Bữa ăn chỉ bắt đầu khi đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Người Hà Nội trước khi ăn bao giờ cũng có lời mời cơm theo thứ bậc trong gia đình. Trên mâm, miếng ngon nhất bao giờ cũng được gắp cho người cao tuổi nhất, nhưng dường như, miếng ngon ấy sẽ được truyền đi truyền lại để cuối cùng là vào bát người ít tuổi nhất, vào em bé nhất nhà... Câu cửa miệng “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” luôn được mọi người chú ý thực hiện trong mọi gia đình Hà Nội.

Người Hà Nội vốn được coi là tinh tế trong cách thể hiện và bày trí món ăn gia đình.      (Ảnh minh họa)

“Không ai được dùng chiếc muôi chung để múc canh mà húp trực tiếp vào đó, phải múc vào bát riêng của mình. Gắp thức ăn chấm nước chấm, không được kéo rê nó lên các đĩa thức ăn. Không được một tay vừa cầm đũa vừa cầm thìa chan canh. Muốn cầm thìa thì phải bỏ đũa xuống đã. Cũng không được chéo đũa, nghĩa là có người đang gắp, mình phải chờ xong, không nên tranh nhau khiến đĩa có hai ba đôi đũa, bát nước chấm có hai người chấm” - đầu bếp Nguyễn Phương Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, người Hà Nội thường sống theo nếp của người TP, không giống “người nhà quê”, tuyệt đối ăn xong không được dựng đứng đũa lên mà “quệt mỏ”. Phải đi rửa tay, lau miệng bằng nước, bằng khăn. Khi gắp, khi nhai, khi húp, không bao giờ được gây ra tiếng động, như xuỵt xoạp, như gõ bát lanh canh, như vứt cái thìa xuống mâm kêu xoảng. Vì vậy, người ta vẫn nói nét thanh lịch của người Hà Nội từ miếng ăn, hụm nước là thế.

Bữa cơm chiều vội vã

Hai bữa cơm chính của người Hà Nội cho đến nay đã thay đổi ít nhiều. Nhiều gia đình chỉ có một bữa chính vào buổi chiều; còn bữa trưa, tiện ở đâu ăn ở đó. Chị Nguyễn Thanh Nhàn (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Tôi là cán bộ công sở, chồng làm kinh doanh. Thông thường 7 giờ cả nhà sẽ dậy, bố đưa đứa lớn, mẹ đưa đứa bé đi học. Bữa sáng đa phần bún, cháo, phở ngoài hàng. Buổi trưa, người lớn cơm bụi, cơm cơ quan, cơm hộp, trẻ em thì ăn bán trú”. Chính sự giản đơn trong bữa ăn cũng mất đi một phần sự ấm cúng trong gia đình. TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: “Ngày nay, ở Hà Nội, một số bà mẹ trẻ bận rộn nên ngại cơm nước, vừa mệt, vừa mất thời gian nên có khi gọi điện đặt luôn các đồ ăn bán sẵn trên internet. Không ít gia đình có nhà riêng, đồ đạc trong nhà đầy đủ, bếp ăn đàng hoàng nhưng gian bếp rất ít khi đỏ lửa”. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong xã hội hiện nay, ở các gia đình truyền thống mà đặc biệt tại Thủ đô, nhiều gia đình làm ăn buôn bán hay kinh doanh dù tất bật đến đâu vẫn luôn giữ nếp của một bữa ăn gia đình. Có rất nhiều người luôn sắp xếp thời gian dành cho bữa cơm gia đình vì đơn giản, họ đã thấm nhuần sự giáo dục của ông, bà, cha mẹ và muốn truyền lại cho các thế hệ sau. Bữa cơm, đó không chỉ là một nét sinh hoạt giải quyết nhu cầu ăn uống hằng ngày, nó không chỉ là sự sum họp trong gia đình mà đối với người Hà Nội, bữa cơm còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Sự thay đổi trong lối sống và nền nếp của các gia đình hiện nay có lẽ là một xu hướng tất yếu theo sau sự phát triển của toàn xã hội. Nhưng dù đổi thay đến đâu, gia đình vẫn luôn nắm giữ những giá trị cốt lõi, là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng trong tâm hồn. Cho dù xã hội có “công nghiệp hóa”, dù ai đó làm nghề gì, có bận rộn thế nào đi chăng nữa, thì không thể nào “từ bỏ” những bữa cơm gia đình. Đó là nơi gắn kết và san sẻ tình cảm của các thành viên. Đó cũng là nơi làm cho mọi người chúng ta, mỗi khi đi đâu cũng đều muốn quay nhanh về nhà, vì ở đó có những người thân yêu đang đợi chờ mình bên mâm cơm đầy ắp tình cảm yêu thương.