Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đời thợ xây - sinh nhai cơ cực nhưng vẫn lạc quan

Nguyễn Trung Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chứng kiến thợ xây làm việc, nhìn những khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại, bàn tay chai sạn, lưng áo ướt sũng mồ hôi, nhưng nụ cười vẫn tươi trên môi, tôi mới cảm nhận hết sự hiểm nguy, cơ cực nhưng cũng rất lạc quan, yêu đời của đời thợ xây.

"Bạn đời ơi, bạn có nghe chăng niềm vui của những người dọn sang căn nhà mới mà chúng tôi vừa xây xong" - Câu hát chứa chan tình yêu thương trong tác phẩm "Bài ca xây dựng” của nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác từ những năm 1973 đã làm rung động cảm xúc cho bao thế hệ. Bai, búa cuốc thuổng rồi leo trèo, dầm mưa, dãi nắng… Đó là những vất vả, khó nhọc của người thợ xây quê tôi, nơi xứ Nghệ “Mưa dầm nắng gió”. 
Mặc dù vất vả nhưng những người thợ xây vẫn luôn vui vẻ, yêu đời, cần mẫn hoàn thành công việc của mình vì mưu sinh, vì cuộc sống gia đình.
Anh Nguyễn Văn Vương đang thi công một công trình tại quê hương.
Có thâm niên gần 30 năm trong nghề thợ xây, anh Nguyễn Trung Vệ, ở thôn Vân Tập, xã Minh Châu không thể nhớ nổi mình đã tham gia xây dựng bao nhiêu căn nhà, công trình. Anh Nguyễn Trung Vệ tâm sự: “Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975, tôi ra quân chuyển ngành vào nhà máy cơ khí Vinh, một thời gian vì hoàn cảnh gia đình nên xin nghỉ việc về quê theo nghề thợ xây, thời gian đầu tôi đi phụ hồ, sau đó quen dần tôi được "lên đai" thợ chính. Mùa vụ nông nhàn tôi cùng tổ thợ đi nhận công trình.
Cứ có việc là đi, nay xây nhà này, mai xã khác, hầu như tôi đi khắp nơi trong ngoài huyện, mặt mày luôn lấm lem vì bụi đất đá, xi măng, xung quanh là tiếng máy khoan, máy trộn bê tông ồn ào ban đầu rất khó chịu nhưng lâu dần cũng thành quen”.
Những người thợ là nam giới vất vả là vậy, phụ nữ làm phu hồ còn khó nhọc hơn nhiều. Chị Võ Thị Thanh (45 tuổi) ở cùng thôn, tổ thợ của anh Vệ cho biết: “Công việc của phu hồ là: trộn vữa, xách vữa, xếp đá, sò... thượng vàng hạ cám. Làm việc quần quật, xong buổi còn phải tất bật chạy về nhà để lo cơm nước, cho gà lợn ăn tăng thêm thu nhập, nếu thời tiết thuận lợi làm đủ 30 ngày liên tục trong tháng cũng kiếm được khoảng 4 - 5 triệu đồng để trang trải cuộc sống”.
Xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An sau khi sáp nhập 3 xã (Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng), đến nay "ra ngõ là gặp thợ xây", mỗi tổ thợ đều có những tay thợ tài hoa riêng đặc trưng không ai giống ai. Nhưng tựu chung, họ đều làm việc có tâm, trách nhiệm với công trình xây dựng. Ước tính hiện nay, ở xã Minh Châu nghề thợ xây mang lại việc làm cho hàng trăm lao động địa phương "khô lúa, cầm bai" với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Bắt đầu theo nghề thợ xây từ lúc về hưu mất sức, anh Nguyễn Văn Vương nhoẻn miệng cười hiền lành: "Đồng lương hưu về trước tuổi rất khiêm tốn, sống bằng nghề nông thì không thể đủ để chi tiêu hàng ngày nên tôi gia nhập nghề thợ xây. Từ ngày theo nghề này, kinh tế gia đình cũng đỡ, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn và gom góp được một số tiền để lo việc lớn cho gia đình".
Phụ nữ làm phụ hồ vô cùng vất vả.
Có thâm niên trên 20 năm thợ xây, vào nghề từ thuở 30 tuổi, nay bước sang tuổi 50, anh Vũ Đình Thiện đã thành chủ thầu. Anh Thiện chia sẻ: "Ban đầu mới vào nghề, ai cũng phải trải qua thời gian làm thợ phụ xách, bê hồ, khuân vác đá gạch, rửa cát, đá… Những công việc khó hơn như ốp tường, lát nền… đều do thợ chính lâu năm đảm nhiệm. Bởi đây là những khâu bảo đảm cho tính thẩm mỹ của căn nhà, xây dựng nên uy tín của đội thợ.
Dù là lao động chân tay nhưng người thợ xây cũng cần phải biết tính toán nguyên vật liệu cần thiết sao cho phù hợp với công trình và tiết kiệm cho gia đình, khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ và nhanh nhẹn mới học được những kỹ thuật ấy...”.
Qua tìm hiểu, vất vả khó nhọc là vậy, bên cạnh đó, tai nạn, rủi ro luôn là nỗi ám ảnh đối với người thợ xây. Mối nguy hiểm lớn nhất với thợ xây thường xuất phát từ giàn giáo, công đoạn ghép mái ngói hay đón tời.
Hiện nay, loại giàn giáo được các chủ thầu sử dụng phổ biến nhất trong thi công công trình là giáo tre, giáo sắt và giáo treo. Giàn giáo sắt hoặc giáo treo có độ an toàn cao nhưng đầu tư tốn kém hơn và chỉ bắc được ở nhưng nơi có không gian phù hợp; giáo tre, mét thì rẻ tiền, nhưng không an toàn. Dù là loại giáo gì đi nữa, nếu người làm không cẩn thận đều rất dễ xảy ra tai nạn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Võ Minh Thiện, chủ thầu đang uốn thép cho công trình xây dựng.
Nhiều người do chủ quan nên khi giàn giáo sập lúc thi công, phải ngồi xe lăn vĩnh viễn và nhiều người cũng đã gãy chân, tay khi làm nghề này. Ngoài ra, còn những nguy cơ tai nạn khác như giẫm phải đinh, đứt tay, chân, trầy xước là chuyện như cơm bữa. Vì thế, những giàn giáo phải được buộc chắc chắn, định kỳ bảo dưỡng dây cáp vận chuyển đất, vữa, máy móc khoan cắt...
Chính sự chủ quan, mất an toàn trong lao động cho nên tai nạn có thể đến với người thợ bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý và chế độ, chính sách bắt buộc với thợ xây cũng như nhiều lao động tự do khác.
Do không có sự ràng buộc nào với chủ thầu và chủ nhà, nên khi gặp tai nạn, thợ xây phải gánh chịu tất cả những thiệt thòi. Cách tốt nhất để hạn chế tai nạn là chính bản thân người thợ phải có ý thức phòng tránh, cẩn thận trong công việc xây dựng. 
Nguy hiểm rình rập là thế nhưng vì “kế sinh nhai” ai cũng phải cố gắng lao động. Và khi chứng kiến thợ xây làm việc, nhìn những khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại, bàn tay chai sạn, lưng áo ướt sũng mồ hôi, nhưng nụ cười vẫn tươi trên môi, tôi mới cảm nhận hết sự hiểm nguy, cơ cực nhưng cũng rất lạc quan, yêu đời của đời thợ xây.

Chia tay những người thợ, tôi nhẩm hát tiếp những câu cuối của bài hát của Nhạc Sỹ Hoàng Vân nhằm muốn tôn vinh, kính tặng những người thợ xây quê mình: "Tôi vẫn xây tiếng hát vui/Cho chúng tôi, tiếng hát vui cho các bạn. Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau. Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.