Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu tham dự Diễn đàn.Với sự tham gia của 400 chuyên gia và quan chức quốc phòng từ 27 nước, Đối thoại Shangri-la tạo cơ hội để các đại biểu thảo luận, đối thoại về các chủ đề liên quan tới an ninh khu vực được các bên quan tâm như: Quản lý những căng thẳng chiến lược; quan điểm của các cường quốc về hòa bình và an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương; bảo đảm quản lý với sự thay đổi xung đột ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong vòng một năm qua, an ninh khu vực rõ ràng đã đi xuống và "niềm tin chiến lược" trong quan hệ song phương đã suy giảm. Trong bối cảnh đó, việc Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đã trở thành chủ đề trọng tâm tại Diễn đàn Shangri-la năm nay.
![]() Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-la.
|
Trước đó, hành động các tàu, máy bay của Trung Quốc khiêu khích, đe dọa, tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam ra khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 để thực thi nhiệm vụ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam đã vấp phải làn sóng phản đối của nhiều nước trên thế giới. Vì thế, không ngạc nhiên khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách là một trong các diễn giả chính của Hội nghị, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc 30/5 đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và kêu gọi "các cuộc thảo luận mang tính xây dựng" để giảm căng thẳng.
Trước đó, ông Abe đã nhiều lần khẳng định, những hành động phô trương sức mạnh và gây căng thẳng trên Biển Đông của Bắc Kinh đã đe dọa sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Đồng thời bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác an ninh trên biển với các nước ASEAN, đặc biệt là nâng cấp khả năng trên biển của các nước đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc như Việt Nam và Philippines, trong đó có việc đẩy nhanh hơn tiến độ cung cấp tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Trong khuôn khổ cuộc gặp với đại diện các nước ASEAN bên lề hội nghị, Thủ tướng Abe đã bàn thảo các vấn đề liên quan đến tình hình căng thẳng ở Biển Đông và cam kết sẽ hợp tác với các nước ASEAN để đảm bảo luật pháp quốc tế được tôn trọng.
Trong khi đó, giới chức Mỹ - quốc gia đang thực hiện chiến lược gia tăng sự hiện diện tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết sẽ đưa vấn đề tại Biển Đông để bàn thảo chi tiết tại Đối thoại Shangri-la. Trước thềm Diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định, các cam kết của Mỹ với châu Á hiện đang "mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tự do hàng hải trong khu vực trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng, Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện yêu sách chủ quyền phi lý với gần trọn diện tích ở Biển Đông. Ông Hagel cũng nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng can thiệp giải quyết mọi vấn đề nếu Mỹ nhận thấy Trung Quốc cố tình gây căng thẳng và tạo ra những thách thức mới.
Theo các nhà quan sát, những thông điệp mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đưa ra tại Diễn đàn an ninh uy tín bậc nhất khu vực này sẽ thu hút được sự chú ý không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với dư luận toàn cầu. Hiện, dư luận quốc tế cho rằng, các quốc gia Việt Nam, Philippines... và Trung Quốc cần phải nhanh chóng đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bởi hòa bình, ổn định, tự do thương mại và vận tải trên Biển Đông nằm trong lợi ích của không chỉ các quốc gia ASEAN mà còn với nhiều cường quốc thế giới.
Trong khuôn khổ cuộc thảo luận bàn tròn kéo dài một ngày tại Singapore với chủ đề "Căng thẳng leo thang ở Biển Đông và những tác động đến an ninh khu vực" hôm 28/5, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đều bày tỏ quan ngại về những động thái của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, đặc biệt là những diễn biến mới nhất trên Biển Đông. |