Ghi nhận những ý kiến
Theo báo cáo của UBND huyện, tất cả các bước triển khai Dự án, từ quá trình thu hồi, đền bù đất, giao đất… đến thẩm định công nghệ được làm theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, UBND huyện và các phòng ban, lãnh đạo các thôn, xã, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (đơn vị thực hiện dự án) và đơn vị tư vấn, giám sát công nghệ đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, đối thoại với người dân trong xã Tân Tiến để tìm sự đồng thuận của người dân...
Tại hội nghị, có 7 ý kiến đóng góp của người dân được đưa ra. Trong đó nhiều ý kiến không đồng ý mở rộng đầu tư dự án xử lý rác thải ở xã Tân Tiến. Theo ông Trần Văn Long, xóm Vạn Tiên: Từ khi quy hoạch đến thẩm định dự án, phê duyệt Nhân dân xã không được thông tin, không được chính quyền công khai theo tinh thần dân chủ. Vì không được tham gia bàn nên không đồng thuận với dự án. Ông Long cũng cho biết, trước kia núi Thoong là khu vực thượng nguồn, cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong thôn và xã, tuy nhiên hiện nay dự án đã làm khu vực nguồn nước bị ô nhiễm, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Còn ông Lưu Quang Sáng (thôn Tiến Tiên) cho rằng: Việc xây dựng dự án về môi trường phải được sự đồng thuận của Nhân dân. Tuy nhiên, tháng 7/2008 sự cố rò rỉ chất thải đã gây ô nhiễm cho khu vực dân cư, trong đó có ô trôn lấp xử lý số 3 bị hỏng, việc khắc phục sự cố không đến nơi đến trốn dẫn đến không sử dụng được và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp, sức khỏe người dân. Trong khi cụ Nguyễn Công Nghĩa cho biết, Núi Thoong là khu vực cao nhất ở khu vực, có các hang cáttơ đá vôi, gần kho vũ khí của Bộ Tư lệnh Thủ đô nên không sử đụng được công nghệ đốt rác... Ngoài ra, núi Thoong là một căn cứ cách mạng lâu đời. Chính vì thế không thể áp dụng được công nghệ xử lý rác mà chủ đầu tư đưa ra. Các đại biểu cũng kiến nghị các quan liên quan về việc xử lý vi phạm của Công ty môi trường đô thị Xuân Mai theo các quy định về bảo vệ môi trường... Còn các ý kiến khác chỉ ra rằng, liệu dự án có đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân như đã từng xảy ra, trong quá trình chôn lấp, rác có được kiểm soát?
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, theo kế hoạch, huyện tiếp tục tổ chức đối thoại với người dân về việc đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải. Các kiến nghị của người dân huyện sẽ tổng hợp để giải thích công khai, minh bạch, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của người dân cũng như bảo đảm tính pháp lý trên cơ sở các quy định của Chính phủ và UBND TP. Trong đó, việc thực hiện dự án đã được lấy ý kiến đóng góp, được thực hiện theo đúng quy trình, có xin ý kiến các sở, ngành, ý kiến Bộ Tư lệnh Thủ đô đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng...
Theo lãnh đạo huyện, Chương Mỹ là huyện có diện tích rộng, dân số hơn 40 vạn, đông DN khiến lượng rác thải phát sinh trong huyện nhiều, khoảng 240 tấn/ngày. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý rác hiện đại để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của người dân, huyện sẽ có trả lời kịp thời, cụ thể trên tinh thần đặt lợi ích của người dân khu vực và quan trọng hơn là lợi ích của cả cộng đồng lên trên hết. Lãnh đạo huyện cũng thông báo công khai tới người dân về công tác GPMB, việc đền bù đất, các quy trình, quy định của pháp luật về quản lý sử dụng đất...
Triển khai theo đúng quy định Theo báo cáo của UBND huyện, quá trình thu hội đất, giao đất để triển khai dự án, trong giai đoạn 1, ngày 13/3/2007 UBND tỉnh Hà Tây có quyết định số 430/QĐ-UBND về việc thu hồi 20.000m2 đất lâm nghiệp tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ; chuyển mục đích thành đất chuyên dùng, giao công ty môi trường đô thị Xuân Mai thuê để xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Công suất giai đoạn I là 240 tấn/ngày đêm với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 117 tỷ đồng, tiến độ triển khai dự án 12 tháng. Dây chuyền công nghệ đã được Hội đồng khoa học TP thẩm định ngày 8/10/2010, công nghệ đã lắp đặt và đưa vào khai thác sử dụng tại khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt Xuân Sơn.
Giai đoạn 2, ngày 9/5/2008, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định số 1201/QĐ-UBND về việc thu hồi 84.1775m2 đất thuộc địa bàn xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, chuyển mục đích sử dụng thành đất chuyên dùng (đất xử lý chất thải rắn sinh hoạt) giao Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đầu tư mở rộng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại núi Thoong. Đến ngày 19/10/2010, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 5112/QĐ- UBND về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn núi Thoong” tại địa điểm xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. Chủ đầu tư là công ty môi trường đô thị Xuân Mai.
Ngày 29/10/2015, Sở TN&MT Hà Nội đã bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất cho Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại núi Thoong với tổng diện tích khu đất là 83.138m2. Hiện nay, Công ty môi trường đô thị Xuân Mai đã xây dựng hàng rào thép gai bao quanh khu đất đã được giao.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2, tháng 12/2015, Sở TN&MT và UBND huyện Chương Mỹ đã có buổi làm việc thống nhất đề nghị TP cho phép Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai lập dự án giai đoạn 2 công suất là 500 tấn/ngày đêm, xử lý triệt để 450 tấn/ngày đêm và hiện hồ sơ đang trình UBND TP. Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Chương Mỹ “Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai sử dụng công nghệ đốt triệt để, dự kiến sử dụng công nghệ của Đức”.
Về công tác quy hoạch, UBND TP đã có Quyết định số 2512/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng huyện Chương Mỹ đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000... ngày 13/1/2014, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 164/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) huyện Chương Mỹ, có quy hoạch khu xử lý chất thải rắn núi Thoong tại xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ.
Mới đây nhất, ngày 14/9/2016, UBND TP đã có văn bản 8199/VP-DDTT yêu cầu các sở Xây dựng, TNMT; Công an; TTTT nhằm đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ sự cần thiết cũng như tiến độ của dự án.