Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đối thủ hay đối tác?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại cuộc đối thoại kinh tế chiến lược (SED) lần thứ 2 ở Thủ đô New Delhi ngày 26/11, Trung Quốc và Ấn Độ đã ký 11 thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trị giá hơn 5 tỷ USD.

Đối thủ hay đối tác? - Ảnh 1

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (trái). (Nguồn: topnews.in)
 
Con số "khủng" này không làm nhiều người bất ngờ vì tiềm năng của hai quốc gia vốn có nhiều điểm tương đồng về diện tích lãnh thổ, dân số và trình độ kinh tế vẫn chưa được khai thác hết.

Điều đáng nói là SED chỉ diễn ra ít ngày sau khi Thủ tướng Manmohan Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 tại Campuchia và nhất trí nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Sau hơn 40 năm ngấm ngầm thực hiện một cuộc "chiến tranh lạnh" khi không có bất kỳ một liên hệ ngoại giao nào, những cuộc gặp cấp cao liên tiếp trong vài năm qua đã tạo cơ hội để hai cường quốc lớn nhất châu Á nhận diện thách thức và xóa bỏ những nghi kỵ vốn tồn tại từ nhiều năm qua. Trên thực tế, mối quan hệ "vì ta cần nhau" giữa hai đối thủ cân sức, ngang tài tại châu Á đã giúp Trung - Ấn tìm mọi cách để thúc đẩy quan hệ giao thương và đưa trao đổi thương mại từ 3 tỷ USD/năm lên mức 74 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, có một sự thật rõ ràng là những bước tiến về hợp tác thương mại chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm trong quan hệ Trung - Ấn do những nghi kỵ trong quá khứ, đặc biệt liên quan đến vấn đề lãnh thổ. Mới đây nhất là sự phẫn nộ của New Delhi về động thái Bắc Kinh in cả hai bang của Ấn Độ là Aksai Chin và Arunachal Pradesh trong hộ chiếu mới. Và những toan tính chiến lược hiện tại nhằm tranh giành ảnh hưởng tại khu vực châu Á đã tiếp tục đặt Trung - Ấn vào thế lập lờ giữa quan hệ đối thủ và đối tác.