Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt:

Đối tượng bảo trợ xã hội và cán bộ đều được hưởng lợi

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Khi huyện Hoài Đức thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, các đối tượng bảo trợ xã hội không phải đi lại, tiết kiệm được thời gian và thuận tiện trong giao dịch; việc chi trả công khai, minh bạch; cán bộ xã giảm được 5 ngày làm việc.

Đối tượng bảo trợ xã hội không phải đi xếp hàng lĩnh tiền

Anh Cao Văn Ninh (sinh năm 1985) là người khuyết tật nặng ở thôn Lưu Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trước đây, mỗi tháng vào một ngày, anh Ninh đều đi xe ba bánh đến trụ sở ủy ban xã Đức Giang để nhận số tiền trợ cấp hơn 660.000 đồng/tháng. Thế nhưng, kể từ tháng 6/2023, khi được cán bộ văn hóa – xã hội của xã Đức Giang vận động nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, anh Ninh hưởng ứng ngay. Bởi tuy rằng đoạn đường từ nhà đến trụ sở ủy ban xã không quá xa nhưng việc di chuyển với người khuyết tật vận động như anh Ninh là khó khăn và bất tiện vì đông người, phải xếp hàng chờ tới lượt.

Anh Cao Văn Ninh cho biết: 4 tháng nay, tôi được nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng nên hàng tháng không phải đến ủy ban xã xếp hàng nữa. Ảnh: Trần Oanh. 
Anh Cao Văn Ninh cho biết: 4 tháng nay, tôi được nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng nên hàng tháng không phải đến ủy ban xã xếp hàng nữa. Ảnh: Trần Oanh. 

“4 tháng nay, tôi được nhận tiền trợ cấp qua tài khoản nên hàng tháng không phải đến ủy ban xã xếp hàng nữa; và hiện nay các dịch vụ sinh hoạt đều thanh toán tiền qua thẻ nên giao dịch rất tiện lợi. Ngoài nhận tiền cho mình, tôi còn được chú thím ủy quyền đăng ký nhận tiền trợ cấp qua tài khoản” – anh Văn Ninh mong muốn.

Anh Cao Văn Ninh là một trong gần 3.500 đối tượng bảo trợ xã hội ở huyện Hoài Đức đăng ký nhận tiền an sinh xã hội chi trả qua tài khoản, được triển khai thực hiện từ tháng 6/2023. Trao đổi về việc thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương cho biết: Ngày 28/6/2023, UBND huyện Hoài Đức ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Theo đó, từ tháng 6/2023 có 3 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, khoảng 7.200 người; Nghị quyết số  09/2021/NQ-HĐND 36 người, Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND có 268 người được áp dụng chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên cơ sở vận động, tuyên truyền, tự nguyện tích cực tham gia.

Để thực hiện chuyển đổi số mang lại hiệu quả, UBND huyện Hoài Đức yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội đoàn thể chung tay phối hợp, tuyên truyền, vận động đối tượng, người thân của đối tượng nhận tiền qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu chi trả không dùng tiền mặt, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi. Về phía UBND các xã phối hợp với Ngân hàng – đơn vị cung cấp dịch vụ được lựa chọn – hướng dẫn cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đăng ký hình thức chi trả, thông tin cá nhân, số điện thoại di động, cung cấp căn cước công dan để mở tài khoản…

Chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch

Đến nay, sau hơn 3 tháng huyện Hoài Đức triển khai thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, số đối tượng bảo trợ xã hội và người được ủy quyền đăng ký mở tài khoản tăng dần. Cụ thể, tháng 6/2023, huyện Hoài Đức có 20% người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và người được ủy quyền đăng ký mở tài khoản ngân hàng và nhận tiền qua chuyển khoản thì đến tháng 7 tăng lên 32%, tháng 8 là 39,6% và tháng 9 là 46,3%. Đặc biệt, đến nay Hoài Đức có 2 xã là Minh Khai và Tiền Yên đạt 100%.

Bà Bùi Thu Hương cho biết: Để việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt kết quả, ngay khi UBND huyện Hoài Đức ban hành Kế hoạch số 208/KH-UBND, chúng tôi quán triệt tới cán bộ ở các hội nghị giao ban hàng tháng của các xã, thị trấn. Thậm chí, tại buổi chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng, lãnh đạo xã đã trực tiếp vận động từng người và giải thích cho họ hiểu những tiện lợi khi nhận tiền trợ cấp qua tài khoản, đăng ký lập tài khoản miễn phí. Việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội đã giúp cán bộ xã giảm được tới 5 ngày làm việc mỗi tháng và không xảy ra nhầm lẫn trả thừa hoặc trả thiếu. Với đối tượng là người già, khuyết tật thì không phải đi lại, tiết kiệm được thời gian, tránh được nguy cơ tai nạn trên đường đi.

Là những người trực tiếp thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, bà Đỗ Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai, huyện Hoài Đức phụ trách văn hóa xã hội cho hay: Xã Minh Khai có 217 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (người đơn thân thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật). Trước đây, mỗi tháng, các cán bộ văn hóa – xã hội mất khoảng 5 ngày để chi trả tiền trực tiếp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công và thân nhân người có công. Nhưng nhờ tuyên truyền tích cực cũng như cán bộ xã hướng dẫn và hỗ trợ, đến thời điểm này, xã Minh Khai thực hiện chi trả thông qua tài khoản của các đối tượng bảo trợ xã hội và người được ủy quyền đạt 100%.

“Hiện nay, chúng tôi chỉ mất khoảng 1 ngày để chi trả tiền trợ cấp cho người có công và thân nhân người có công. Với việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, cán bộ văn hóa xã hội giảm được 4 ngày làm việc, để có thêm thời gian làm việc khác” – bà Đỗ Thị Quyên cho hay. Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn giúp nhiều đối tượng là người yếu thế biết cách sử dụng dịch vụ internet banking, mua sắm tiêu dùng bằng chuyển khoản, quét mã QR rất tiện lợi.

Thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đồng nghĩa với Hoài Đức thực hiện chuyển đổi số; đảm bảo chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí. Với những thuận tiện của việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, nhiều người có công trên địa bàn huyện Hoài Đức mong muốn hàng tháng được nhận tiền chế độ qua chuyển khoản ngân hàng.

Về đề xuất này, Trưởng phòng LĐTB&XH Hoài Đức Bùi Thu Hương phản hồi: Huyện Hoài Đức có khoảng 2.280 người có công với cách mạng. Huyện sẽ thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng cho đối tượng này theo lộ trình hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH, sau khi hệ thống các cơ sở dữ liệu an sinh xã hội chính thức đi vào hoạt động.