Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đội tuyển bóng đá Việt Nam: Hướng tới tương lai

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bóng đá Việt Nam khép lại một năm đại thành công với chức vô địch AFF Cup 2018, để chuẩn bị cho năm 2019 với nhiều giải đấu quan trọng như vòng loại U23 châu Á 2020, SEA Games 30 và gần nhất là vòng chung kết (VCK) Asian Cup.

Thẳng tay gạch tên hai “ngôi sao”
Để chuẩn bị Asian Cup 2019, HLV Park Hang Seo đã triệu tập 27 cầu thủ, đáng chú ý là không có tên hai lão tướng Anh Đức và Văn Quyết. Việc thẳng tay gạch tên cả hai cầu thủ "ngôi sao" này là điều bất ngờ đối với nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Nếu như Anh Đức cho thấy kinh nghiệm cũng như khả năng săn bàn tốt thì Văn Quyết lại là một thủ lĩnh thực sự của đội tuyển Việt Nam. Thực tế cho thấy, cả hai cầu thủ này đều đóng vai trò quan trọng ở đội tuyển Việt Nam tại ASIAD 18 và vòng bảng AFF Cup.
 Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng vô địch AFF Cup 2018.
Nhìn lại giải AFF Cup 2018, tiền đạo thuộc biên chế của CLB Bình Dương Nguyễn Anh Đức đã góp công lớn vào chiếc cúp vô địch sau 10 năm chờ đợi của bóng đá Việt Nam, với 4 bàn thắng quan trọng, trong đó có pha lập công duy nhất tại trận chung kết lượt về vào lưới Malaysia. Ở tuổi 33, Anh Đức vẫn có khả năng săn bàn tốt, là cầu thủ chủ lực trên hàng công. Trong khi đó, Văn Quyết cũng không kém cạnh. Ở ASIAD 18 tại Indonesia, Văn Quyết đúng là một thủ lĩnh thực sự cả trong cũng như ngoài sân cỏ để giúp đội tuyển Việt Nam lọt top 4 đội xuất sắc nhất Đại hội.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sâu xa, có thể thấy, đây là quyết định hợp lý và có tính toán của nhà cầm quân người Hàn Quốc. Ở tuổi 33, việc phải cày ải liên tiếp ở hai giải đấu AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019 là khá vất vả với “lão tướng” Anh Đức. Còn đối với Văn Quyết, đội trưởng của đội tuyển Việt Nam dường như đang bị giảm phong độ, khi không thể hiện được nhiều tại AFF Cup 2018. Cùng với đó, việc “hy sinh” Anh Đức sẽ là cơ hội để đội tuyển Việt Nam có dịp tung ra những quân bài chiến thuật mới trên hàng công vốn đang được trẻ hóa mạnh mẽ.

Niềm tin vào lớp trẻ

Dưới thời HLV Park Hang Seo, đội tuyển Việt Nam luôn chú trọng làm mới bản thân để tạo nên sự biến ảo trong lối chơi, khiến đối thủ rất khó bắt bài. Những cái tên như Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh… đã “nhảy múa” tại giải U19 châu Á, qua đó giành vé dự giải U20 World Cup 2017 - để lần đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam bước ra tầm cỡ thế giới.

Ở VCK Asian Cup 2019, trong 27 cầu thủ đã được triệu tập, HLV Park Hang Seo gọi tên 7 tiền đạo như Công Phượng, Văn Toàn, Đức Chinh, Tiến Linh, Nguyễn Hoàng Đức, Đinh Thanh Bình và Ngân Văn Đại. Chưa bao giờ HLV người Hàn Quốc chấm dứt “cơn đau đầu” với hàng công của đội tuyển Việt Nam. Sự cạnh tranh là rất quyết liệt khi Công Phượng, Văn Toàn, Đức Chinh luôn được trọng dụng từ U23 châu Á, ASIAD 18 và AFF Cup 2018. Trong khi đó, Tiến Linh cũng phần nào thể hiện được tố chất của một tiền đạo trung phong tại AFF Cup vừa qua với pha lập công vào lưới Campuchia. Ở một khía cạnh khác, việc vắng mặt Anh Đức và Văn Quyết ở giải lần này cho thấy cái lý và sự toan tính của thầy Park. Ngoài VCK Asian Cup, năm 2019, bóng đá Việt Nam sẽ có 2 mục tiêu lớn là Vòng loại U23 châu Á 2020 và SEA Games 30. Vì vậy, ngay từ thời điểm này HLV Park Hang Seo đã phải có sự tính toán để bổ sung những nhân tố mới thay thế cho vị trí của các lão tướng như Anh Đức, Văn Quyết.

Trước đây, nói đến đào tạo cầu thủ trẻ, nhiều người sẽ nhắc ngay đến “cái nôi” Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Tháp… thì ngày nay, bóng đá Việt Nam đã thay đổi đáng kể với những lò đào tạo chất lượng hơn nhiều như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel, PVF… Chính các lò đào tạo này đã và đang sản sinh ra những cầu thủ chất lượng, là nhân tố quan trọng cho đội tuyển, góp phần làm thay đổi nền bóng đá Việt Nam.