Chưa bao giờ, bóng đá Việt Nam lại khủng hoảng nhân tài ở tuyển trẻ đến vậy.
Đến giờ, những thông tin liên quan đến Michel Lê vẫn đang nằm trong vòng bí mật. Vì sao cầu thủ này khi chuẩn bị được trọng dụng đã tất tả rời khỏi đội tuyển mà chưa kịp nói một lời từ biệt. Phải chăng, anh ý thức được rằng mình không đủ trình độ để cạnh tranh một suất chính thức ở đội tuyển? Có lẽ chưa đến mức như vậy, bởi Michel Lê mới tập luyện được vài ngày. Người khác lại tự hỏi, phải chăng VFF không trọng dụng nhân tài nên cầu thủ này mới tức tốc quay lại Pháp. Chắc điều này là sai, bởi VFF đang rất cần nhân tài. Vì trọng cái tiếng của Michel Lê mà họ sẵn sàng dành cho cầu thủ này 2 phòng ở tại Trung tâm huấn luyện. Một phòng cho Michel Lê, một phòng cho mẹ của cầu thủ này, một phụ nữ gốc Việt.
Michel Lê đã rời đội U23 Việt Nam sau 5 ngày thử việc
Tìm hiểu thì được biết, Michel Lê bị chấn thương khá nặng và phải nghỉ thi đấu trong vòng 7 tháng. Điều này lý giải vì sao anh không có mặt trong danh sách đăng ký thi đấu của đội hạng Nhì Metz trong thời gian gần đây. Và trong bối cảnh được nghỉ dưỡng thương, trước những lời đề nghị hấp dẫn từ các nhà môi giới, Michel Lê đã lặng lẽ trở về Việt Nam thử việc mà không hề thông báo với CLB. Nhằm giữ người, tránh việc Michel Lê tái phát chấn thương, CLB Metz đã lệnh cho Michel Lê phải nhanh chóng trở về CLB để tập trung chuẩn bị cho mùa giải mới.
Đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam đang rất cần nhân tài. Những cầu thủ gốc Việt là nguồn nhân lực quan trọng mà bóng đá Việt Nam cần hướng tới để tăng cường sức mạnh. Nhưng, có lẽ những nhà hoạch định chiến lược cho bóng đá nước nhà cần có một chiến lược rõ ràng nhằm tìm kiếm, phát hiện nhân tài chứ không thể mãi phụ thuộc vào vài lời giới thiệu có bao hàm dụng ý cá nhân của một vài nhà môi giới.
Bóng đá Việt Nam phải tìm đến các cầu thủ, lựa chọn được những cá nhân thực sự có năng lực để những lần thử việc không xảy ra sự kiện dở khóc, dở cười như từng xảy ra với Michel Lê. Thông qua những kênh chính thức, VFF sẽ có được nguồn cầu thủ rõ ràng và đảm bảo được quyền lợi của mình cũng như các đối tác.
Tất nhiên, để có được sự chủ động trong chiến lược tìm kiếm nhân tài, VFF phải có sự đầu tư về thời gian, nhân lực và đặc biệt là tài chính. Chỉ có điều, đây lại là vướng mắc lớn nhất của VFF. Nhưng muốn chuyên nghiệp và không bỏ lỡ nhân tài, bắt buộc bóng đá Việt Nam phải bước vào cuộc chơi một cách sòng phẳng.