Bài 2:

Đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển văn hóa sáng tạo bứt phá: Cần chính sách đặc thù

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, không ít DN văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam đang hụt hơi sau quãng dài tự bơi. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân do những DN phát triển theo mô hình hoạt động tự phát, thiếu sự định hướng, hỗ trợ cũng như cơ chế đặc thù để phát triển bền vững.

Nhiều không gian sáng tạo ra đời nhằm phục vụ cộng đồng nhưng lại được coi là DN đơn thuần, xuất phát từ loại hình đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh, công ty TNHH… chưa có tư cách pháp nhân cụ thể.

DN văn hóa sáng tạo băn khoăn

Hiện nay, các DN văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn. Nhiều DN chia sẻ họ không được hỗ trợ thủ tục cấp phép về việc thành lập cũng như vận hành, không được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, địa điểm, kết nối quảng bá, truyền thông các hoạt động và sản phẩm văn hóa, sáng tạo.

Không gian sáng tạo Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội) được tái thiết từ nhà máy cũ tại Hà Nội, nhằm xây dựng một mái nhà chung cho nhu cầu sinh hoạt đa dạng văn hóa của TP; tạo không gian kết nối liên ngành và thúc đẩy trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa mọi nhóm người trong cộng đồng. Nhưng từ lúc thành lập, hầu hết đều phải tự lực cánh sinh.

Tại buổi tham vấn về Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội do Sở VH&TT Hà Nội phối hợp Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-HABITAT) tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Bùi Vũ đại diện không gian sáng tạo Complex 01 chia sẻ: là không gian sáng tạo, nhưng Complex 01 đồng thời hoạt động như một DN bất động sản cho thuê mặt bằng. Có thời gian hoạt động khá lâu nhưng Complex 01 gặp nhiều khó khăn khi không có khung pháp lý, không được hướng dẫn cũng như hỗ trợ, ưu đãi về thuế, phí, quảng bá, truyền thông.

“Ngay cả khi chúng tôi tìm hướng và vận hành trung tâm thì chưa nhận được sự hỗ trợ về mặt truyền thông hay tài chính. Trong khi đó, chúng tôi đang phải hỗ trợ ngược lại cho các hoạt động và DN văn hóa đang hoạt động tại Complex 01” - chị Nguyễn Như Quỳnh (đại diện của Complex 01) chia sẻ.

Một khó khăn nữa mà các DN như trên gặp phải là Nhà nước hiện vẫn duy trì việc sử dụng ngân sách để đặt hàng các sản phẩm văn hóa phục vụ chính trị, như các buổi biểu diễn nghệ thuật… mà chưa có sự mở rộng ra đối với các tổ chức ngoài công lập.

Một chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Một chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế này được chuyên viên Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ VHTT&DL Đỗ Quang Minh nhận định: trong lĩnh vực văn hóa có rất nhiều DN khởi nghiệp là DN vừa và nhỏ. Khi thành lập, có thể được ưu đãi về thuê cơ sở vật chất, giảm trừ thuế cho thuê đất, ưu đãi về thuế DN, hỗ trợ tín dụng… Tuy nhiên, DN không được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến đối tượng được áp dụng hưởng ưu đãi này rất hạn chế, cũng như rất khó để áp dụng đối với các DN văn hóa và sáng tạo ngoài công lập.

 

Chủ trương về xã hội hóa đã có từ những năm 2008, có các chính sách ưu đãi về thuế đối với một số loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong ngành văn hóa và sáng tạo, tuy nhiên, trong thực tế, cơ chế và năng lực thực thi các chính sách đó chưa hiệu quả.
Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, TS Mai Thùy Hương

 

Từ góc độ nhà nghiên cứu các không gian sáng tạo vừa và nhỏ ở Hà Nội thành lập trước năm 2019, bà Phạm Quỳnh Hương (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ: rất nhiều không gian sáng tạo đời đầu đã vượt qua nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn tồn tại đến nay chính là đưa sản phẩm sáng tạo đến với công chúng.

Một khó khăn khác là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực làm sáng tạo thông qua các workshop, các khóa học… là cơ sở để các không gian sáng tạo có thể phát triển bền vững.

Tạo động lực cho DN sáng tạo văn hóa

Theo các nhà nghiên cứu, khu vực Nhà nước nên tìm cách tạo ra một khung tài chính hỗn hợp, bởi trên thực tế, từ kết quả của các chương trình nghiên cứu và tư vấn chính sách về phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam nói riêng đã cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo có nhiều tiềm năng để có thể phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, vừa cần sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, vừa phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Nhận diện vướng mắc về cơ chế, PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thủy - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, thách thức đối với Chính phủ là đạt sự cân bằng giữa việc giữ thuế đủ thấp để thu hút đầu tư tư nhân và đủ cao để tài trợ cho các dịch vụ công.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, sáng lập không gian điện ảnh “Ơ kìa Hà Nội”, nhìn nhận, điều quan trọng là hiện thực hóa được các ưu đãi về thuế đối với DN sáng tạo, văn hóa và những người mong muốn đi theo ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo được hưởng lợi từ những ưu đãi này.

Đề xuất thêm các giải pháp, đại diện Vụ Kế hoạch và Tài chính - Bộ VHTT&DL cho rằng, chính sách, ưu đãi phải có sự tương đồng, hỗ trợ pháp lý, tín dụng để giải quyết bài toán đấu thầu với nhà sản xuất nước ngoài khi việc xuất khẩu sản phẩm văn hóa Việt Nam sang nước ngoài ngày càng phát triển và tạo không gian sáng tạo văn hóa.

Có thể nói, Việt Nam đang ở trong một giai đoạn bản lề của sự chuyển đổi, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương rất rõ ràng để đầu tư cho công nghiệp văn hóa, nhưng việc chậm trễ trong triển khai và cụ thể hóa các định hướng, chính sách có thể sẽ làm mất đi cơ hội để phát triển và hòa nhập với thế giới.

 

Nhà nước đã có những định hướng cởi mở đối với việc phát triển công nghiệp văn hóa và huy động mọi chủ thể trong xã hội cùng tham gia để tập trung mọi nguồn lực phát triển văn hóa. Trong đó, các DN văn hóa, sáng tạo là chủ thể rất quan trọng. Các chính sách hỗ trợ đã có như thủ tục hành chính để thành lập DN nhanh gọn hơn. Tuy có định hướng tốt nhưng vẫn cần những bước tiếp theo để hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa nhằm huy động tốt các nguồn lực DN cũng như các chủ thể xã hội khác trong lĩnh vực văn hóa.
Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia
Việt Nam, TS Đỗ Thị Thanh Thủy

 

Hiện, Bộ VHTT&DL đã xây dựng và sẽ trình Quốc hội phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để tạo cơ sở nền tảng cho các lĩnh vực của ngành văn hóa, trong đó có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, để văn hóa phát huy sức mạnh mềm, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước.

Hy vọng rằng với những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, những người làm công tác văn hóa, văn hóa sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc gia trong một tương lai gần.
(Còn nữa)