Đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển văn hóa sáng tạo bứt phá

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kintedothi - Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa.

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Những năm gần đây, nhận thức rõ được những bất cập và hạn chế, Chính phủ và các bộ, ngành, tỉnh, thành đã có những điều chỉnh và cập nhật.

Bài 1: Đánh thức tiềm năng công nghiệp văn hóa

Những năm qua, các ngành CNVH và sáng tạo có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia. Theo số liệu thống kê, các ngành CNVH đã đóng góp hơn 4% tổng giá trị gia tăng vào năm 2022.

Thu hút gần 4 triệu người lao động

Trong những năm qua, các ngành CNVH và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 6,02% tổng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế năm 2019. Sau hai năm có sự suy giảm (2020 - 2021), các ngành này đã và đang có xu hướng phát triển tốt trở lại với đóng góp 4,04% tổng giá trị gia tăng vào năm 2022.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, các ngành này đã thu hút lực lượng lao động trung bình khoảng 2,9 triệu đến 3,8 triệu người (chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm) của cả nước.

Năm 2022, số lượng DN chiếm 3,1% tổng số DN của cả nước, số lượng cơ sở kinh tế thuộc lĩnh vực CNVH khoảng 70.321 cơ sở.

Qua các nghiên cứu cho thấy các ngành CNVH, sáng tạo tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế. Theo các chuyên gia, để thực hiện được điều đó, một mặt đòi hỏi sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, mặt khác, cũng cần thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là CNVH và sáng tạo.

Lễ hội đường phố trong chương trình Carnaval Thu Hà Nội tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ngày 1/10 vừa qua. Ảnh: Công Hùng
Lễ hội đường phố trong chương trình Carnaval Thu Hà Nội tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm ngày 1/10 vừa qua. Ảnh: Công Hùng

Thực tế những năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành đã có những chính sách ưu đãi với DN hoạt động trong các ngành CNVH. Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL Trần Hoàng: từ 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong chiến lược này, có nhiệm vụ quan trọng là cần xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành CNVH.

Vấn đề này cũng đã được đặt ra trong Nghị quyết số 33- NQ/TW tại Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI, cụ thể là cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, đặc biệt là ở vùng còn khó khăn.

Cụ thể, theo các chuyên gia hiện nay có nhiều ưu đãi thuế hiện hành cho các ngành CNVH. Ví dụ về thuế xuất khẩu, nhập khẩu: “Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự sự kiện văn hóa, nghệ thuật được miễn thuế; hàng hóa lĩnh vực văn hóa không thuộc đối tượng chịu thuế hoặc thuế xuất khẩu bằng 0%”; về thuế GTGT: “Không thu thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động: Dạy học, dạy nghề, bao gồm cả dạy múa, hát, hội họa, kịch, xiếc… Duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của Nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật”.

Trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: “Đất xây dựng công trình văn hóa phục vụ lợi ích công cộng; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không thuộc đối tượng chịu thuế”.

Hay trong Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư: Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sản xuất sản phẩm CNVH hình thành từ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được hưởng ưu đãi đầu tư.

 

 

Trong hơn chục năm vừa qua, kết quả của các chương trình nghiên cứu và tư vấn chính sách về phát triển VHNT nói chung, nghiên cứu và phát triển các ngành CNVH và sáng tạo ở Việt Nam nói riêng đã cho thấy thực tế rằng, các ngành CNVH và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo có nhiều tiềm năng để có thể phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, vừa cần sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, vừa phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là CNVH và sáng tạo.
Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam - TS Mai Thùy Hương

 

Tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi

Bộ VHTT&DL đang nghiên cứu để đề xuất cơ chế huy động đa dạng nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH và sáng tạo, cụ thể là ưu đãi thuế và đặc biệt là áp dụng thí điểm mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực các ngành văn hóa và sáng tạo ở một số địa phương như Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh... Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTT&DL đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế ưu đãi thuế đối với lĩnh vực văn hóa.

Những chuyển động về văn hóa trong thời gian vừa qua đã được minh chứng bằng những kết quả, con số cụ thể, sinh động.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT: “Thời gian qua Nhà nước đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư phát triển văn hóa, phát triển con người cả từ T.Ư đến địa phương với mức đầu tư được xác định khoảng 1,6 - 1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước, và tăng dần theo từng giai đoạn. Đến giai đoạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư phát triển văn hóa từ ngân sách Nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể”.

Theo đó, năm 2021 - 2025 số vốn ngân sách T.Ư đầu tư phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng (đầu tư tại các bộ, cơ quan T.Ư là 4.445 tỷ đồng; đầu tư tại địa phương là 5.021 tỷ đồng), gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

 

Nhà nước có vai trò định hướng chỉ đạo, còn “sân chơi” phần lớn thuộc về DN, nghệ sĩ độc lập và tổ chức nước ngoài. Thách thức về chính sách hỗ trợ văn hóa Việt Nam là thiếu cơ sở khoa học, nhiều cơ quan quản lý chồng chéo, thiếu sự tương tác giữa Nhà nước và DN.
Chuyên viên Vụ Kế hoạch và tài chính, Bộ VHTT&DL Đỗ Quang Minh

 

Như vậy, để đánh thức tiềm năng về CNVH, gia tăng giá trị kinh tế của lĩnh vực trong nền kinh tế quốc gia nói chung, nhiều cơ chế, chính sách đã được thay đổi, vận dụng linh hoạt động trong đời sống thực tiễn nhằm đạt mục tiêu đặt ra. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia vẫn cần những bước tiếp theo để hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển CNVH nhằm huy động tốt các nguồn lực DN cũng như các chủ thể xã hội khác trong lĩnh vực văn hóa.
(Còn nữa)