Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đòn bẩy của hoạt động phản biện xã hội ở cơ sở

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (Khóa XI), đánh giá chung của các cấp mặt trận tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội cho thấy, đây là đòn bẩy của hoạt động phản biện xã hội (PBXH) ở cơ sở bởi trước đó, chưa có một đơn vị cấp xã nào thực hiện PBXH. Đây cũng là một trong những hoạt động thể hiện vai trò của MTTQ.

 Ảnh: Việt An
Hiệu quả từ cơ sở
Ngay sau khi Quyết định số 217 và 218 được ban hành, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội là một trong những đơn vị chủ động đi đầu hướng dẫn các cấp cơ sở triển khai thực hiện công tác giám sát, PBXH và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

5 năm qua, MTTQ cấp huyện đã tổ chức thành lập hơn 600 đoàn giám sát, phối hợp tham gia giám sát hơn 3.100 cuộc. Ở cấp xã, con số này là 7.190 đoàn giám sát với hơn 19.580 cuộc phối hợp tham gia giám sát. Qua đó, MTTQ các cấp kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị giám sát, tiếp thu các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cách làm về công khai dân chủ, các hình thức tự quản, mở rộng thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng các công trình nông thôn mới…

Bên cạnh đó, thông qua hơn 32.400 cuộc giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân (TTND), gần 25.000 cuộc giám sát của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), đã kiến nghị với chính quyền thu hồi 252.054m2 đất, hơn 15 tỷ đồng.

Ở MTTQ cấp quận, huyện, nhiều đơn vị đã tổ chức 3 đến 4 hội nghị PBXH trong một năm như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, thị xã Sơn Tây, Thanh Trì, Ứng Hòa, Phú Xuyên… Đến nay, có 204 hội nghị PBXH do mặt trận cấp quận, huyện chủ trì; gửi văn bản góp ý đối với dự thảo gần 500 cuộc. Đặc biệt, Quyết định 217 có tác động làm thay đổi mạnh mẽ đến hoạt động PBXH ở cấp xã. Sau 5 năm, MTTQ các phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP đã tổ chức được hơn 2.370 hội nghị PBXH góp ý đối với dự thảo chính sách và gần 2.560 cuộc với nội dung về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

MTTQ quận Hai Bà Trưng là một trong những đơn vị làm điểm của TP về hoạt động giám sát. Trong đó, phường Minh Khai giám sát đối với tập thể, phường Bạch Đằng giám sát đối với cá nhân, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm để các phường triển khai đồng bộ. Theo Phó Chủ tịch MTTQ quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Ngọc Anh, qua gần 1.900 cuộc giám sát của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ về các công trình xây dựng, đã phát hiện một số trường hợp vi phạm về lỗi kỹ thuật, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đó, kịp thời phản ánh đến các cơ quan, đơn vị, yêu cầu khắc phục những vi phạm, thiếu sót, góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án xây dựng cộng đồng trên địa bàn.

Tăng cường đối thoại

Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện Quyết định 217, và 218 đã góp phần xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị từ TP đến và cơ sở trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Song, vẫn còn tồn tại việc chậm giải quyết các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân sau hội nghị đối thoại của cấp ủy, chính quyền một số phường. Chất lượng GSPBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của một số tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu...

Để khắc phục hạn chế, MTTQ các cấp cần kịp thời nắm bắt dư luận, thường xuyên trao đổi, phản ánh thông tin với các cơ quan, ngành chức năng. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Dương Cao Thanh, nên nâng cao hơn nữa hoạt động giám giát ở cơ sở thông qua hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ. Để làm được điều đó, cần thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về GSPBXH cho đội ngũ cán bộ mặt trận và đoàn thể chính trị xã hội.

Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Huệ, để tránh việc “chính quyền xa dân”, cần tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền để chính quyền lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của người dân cũng như giải quyết những bức xúc ngay từ cơ sở.