Đón đầu thực tiễn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, Quốc hội khóa XV đã khởi động công tác lập pháp bằng việc cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Cùng với việc nên đưa dự luật này vào chương trình, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn với cá thể hóa trách nhiệm ở từng công đoạn của quy trình lập pháp cũng là vấn đề được quan tâm.
 Toàn cảnh kỳ họp Quốc hội khóa XV.
“Thể chế đi trước, mở đường cho các đột phá về kinh tế - xã hội, hạ tầng xã hội, phát triển con người và đổi mới, sáng tạo”, đó là quan điểm được nhiều người đồng tình khi nói về công tác xây dựng pháp l.uật. Đây cũng là mong muốn của nhiều cử tri với Quốc hội khóa XV. Nhìn vào thực tế phải nói rằng, chất lượng công tác xây dựng luật đã được nâng cao hơn rất nhiều. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn những quy định pháp luật “vòng đời” tồn tại rất ngắn, mới ban hành 1 - 2 năm đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung. Có những quy định, ngay từ khi mới ban hành đã thấy những điểm vướng, “lỗi nhịp” với cuộc sống, thậm chí gây khó khăn, bất cập cho chính các cơ quan thực thi pháp luật. Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu tính tiên lượng và tư duy lập pháp kiểu “ăn đong, chập chững” khi đề xuất xây dựng luật cũng đòi hỏi phải “đoạn tuyệt”.

Như nhiều ý kiến cho rằng, nhìn nhận thẳng thắn về cả những mặt được và hạn chế, sẽ góp phần tạo bước tiến mới trong xây dựng và thi hành pháp luật. Để quy định pháp luật không chỉ theo sát mà thực sự đón đầu thực tiễn. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói, Quốc hội mới phải thay đổi về chất và lượng trong công tác làm luật, tinh thần Quốc hội phải kiến tạo cần được khẳng định rõ, có tính dẫn dắt, chủ động, cùng với đó là siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng luật, pháp lệnh.

Khung khổ thể chế pháp lý minh bạch, hiệu quả không chỉ khơi thông những “điểm nghẽn” mà còn thúc đẩy mọi nguồn lực phát triển. Hay nói cách khác, thể chế là đột phá của đột phá, việc đổi mới công tác xây dựng luật sẽ đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển đặt ra. Bởi thế ngay từ khâu xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp luật, sự chặt chẽ và có tính dự báo cũng rất quan trọng, đặc biệt là những lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu với người dân và DN. Như các ý kiến đã cho rằng, thực tiễn đang rất cần các dự luật quan trọng về thuế, bởi sự thiếu đồng bộ khi một số luật chuyên ngành đã được Quốc hội ban hành nhưng không thể đi vào cuộc sống, không thực hiện được vì “vướng” các luật thuế. Nên dù khó nhưng nếu không đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các luật thuế như Luật Thuế Giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập DN... một cách căn cơ sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với hệ thống pháp luật. Hay như Luật Đất đai, sau nhiều lần trì hoãn, đã được đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2022, tuy nhiên, cử tri cũng như chính quyền địa phương đều mong muốn, việc sửa đổi Luật này đã hết sức cấp bách để giải quyết các vấn đề thực tiễn, rất cần sớm đẩy nhanh tiến độ, nhưng cũng không thể bỏ qua chất lượng.

Trước những yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan soạn thảo, vai trò gác cổng của các cơ quan thẩm tra… là vấn đề được nhắc đến và hy vọng sẽ tiếp tục được tăng cường hơn trong nhiệm kỳ này, tránh sự chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng, trình ra những dự luật không đảm bảo chất lượng hoặc thiếu thực tiễn. Với các đại biểu, những người sẽ góp phần lớn để hoàn thiện và cho ra đời những quy định thể chế hiệu quả sẽ thể hiện rõ trí tuệ, trách nhiệm của mình, để luật ra đời không chỉ đi vào cuộc sống mà thực sự đón đầu thực tiễn như mong muốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần