Đơn giản hóa quy trình hành chính cũng là thiết thực chống lãng phí

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến các địa phương đều coi đây là nhiệm vụ cấp bách.

Nhiều đơn vị của thành phố đã rút ngắn thời gian giải quyết, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Hải Linh
Nhiều đơn vị của thành phố đã rút ngắn thời gian giải quyết, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Hải Linh


Đồng bộ giải pháp
Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề THTK, CLP. Theo tư tưởng của Bác, tiết kiệm là sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, nhằm tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao mức sống Nhân dân.

Tiết kiệm phải từ cái nhỏ đến cái to, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Đồng thời, muốn THTK thì phải ra sức CLP một cách thường xuyên, triệt để, rộng khắp, có kế hoạch, có tổ chức, có lãnh đạo, có phương pháp.
Đúng như đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay để THTK, CLP thực chất và đạt hiệu quả tối ưu, cần nhấn mạnh nhiều hơn đến yếu tố chi tiêu hợp lý, đầu tư đúng lúc, đúng chỗ.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế, tính toán để đầu tư ít nhất, nhưng tạo ra giá trị cao nhất là rất quan trọng đúng như tư tưởng của Bác. Cùng với đó là phải xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình để xảy ra tình trạng lãng phí, không có ý thức THTK.

Thực tế, nhiều quy định cụ thể về vấn đề này đã được thể hiện rõ trong Luật THTK, CLP. Các phong trào, quy định cụ thể trong từng lĩnh vực đã được ban hành; hầu hết các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã xây dựng và ban hành Chương trình THTK, CLP của cơ quan, tổ chức mình… và thực hiện hiệu quả hơn vấn đề này.
Tại Hà Nội, ngay từ những tháng đầu của năm 2023, TP đã thể hiện quyết tâm triển khai đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP cả lĩnh vực công lẫn tư, thực hiện hợp lý hóa cơ cấu chi thường xuyên để dành nguồn bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển.

TP cũng quyết liệt yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phải công khai trong thực hiện THTK, CLP; đặc biệt là công khai hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí. Ngoài ra, việc THTK, CLP đối với công tác quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cũng được TP chú trọng.

Đáng chú ý, việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, liên thông, liên ngành đã tăng tính chủ động cho địa phương để THTK, CLP một cách toàn diện, thực chất hơn. Theo đó, TP đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính Nhà nước các cấp với người dân, DN; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ.

Qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN khi thực hiện thủ tục hành chính. Thời gian qua, TP cũng đã cắt giảm 130 quy định và 454 định mức được hoàn chỉnh, 1.571 hạn mức đơn giá được thực hiện. Quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ là xương sống, khung căn bản để Hà Nội thực hiện công tác THTK, CLP.

Đối với việc ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng sản phẩm dịch vụ công, hiện nay, TP có 156 dịch vụ/nhóm dịch vụ, trong đó dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước là 142 dịch vụ/nhóm dịch vụ; sản phẩm, dịch vụ công ích là 14 dịch vụ.
Tạo thêm nguồn lực
THTK, CLP còn là nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công, TP Hà Nội đang rất nỗ lực làm tốt công việc này, trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả trên 3 lĩnh vực, gồm: Tài chính, tài sản công; đất đai và các dự án đầu tư công; đẩy mạnh vận hành hệ thống chính quyền, trọng tâm là quản lý đô thị…

Bởi thế, năm 2023, TP xác định, một trong các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh triển khai thi hành có hiệu quả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; rà soát, hoàn thiện các văn bản, quy định về quản lý, sử dụng tài sản công bảo đảm thống nhất, thuận lợi trong tổ chức thực hiện cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ này, vừa qua, HĐND TP đã thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030. Đề án xác định phạm vi gồm 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác.

Trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước của TP và đất đai. Từ đề án khung này, TP sẽ ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh việc đẩy mạnh THTK, CLP trong bộ máy hành chính, chi tiêu công, tài sản công, ngay trong đời sống của mỗi cán bộ, người dân TP, thời gian qua, vấn đề CLP cũng được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, trên khắp địa bàn của TP nhiều gia đình, đơn vị đã, đang tổ chức đám cưới theo đời sống mới, thay vì cỗ bàn linh đình, xa hoa, tốn kém, các gia đình đã tổ chức tiệc ngọt. Với các đơn vị, sở, ngành… những năm qua vào dịp kỷ niệm ngành đều “gửi thông điệp” không nhận lẵng hoa; những lễ khởi công, dịp kỷ niệm được tiết giảm tối đa...
Trong khi sự lãng phí còn hiện hữu càng cho thấy việc học và làm tư tưởng của Bác về THTK, CLP trở thành việc thường xuyên, liên tục ở mọi cơ quan, ban ngành và ở mọi tầng lớp Nhân dân, sẽ là một giải pháp đặc biệt coi trọng, để tạo thêm nguồn lực thúc đẩy sự phát triển.