Đón giao thừa trực tuyến cùng những chiến sĩ áo trắng tại 18 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19

Thái Bình. Ảnh: Trần Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giao thừa Tết Tân Sửu (tức ngày 12/2), GS.TS Nguyễn Thanh Long-Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư đón giao thừa “trực tuyến” cùng tất cả các y bác sĩ đang làm công tác điều trị tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 trên cả nước.

 Bộ trưởng Bộ Y tế đón giao thừa trực tuyến cùng những chiến sĩ áo trắng tại 18 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 
Chương trình đón giao thừa trực tuyến được kết nối từ BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đến 18 điểm cầu là các cơ sở y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 trên toàn quốc.
Chia sẻ với các điểm cầu, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ, trong thời khắc thiêng liêng này, tất cả cán bộ y tế được phân công nhiệm vụ đều đang thực hiện vai trò của người thầy thuốc với bệnh nhân. Nhưng riêng các y bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid-19 lại có những đặc thù riêng,  có những người ở tại BV từ 3- 6 tháng, chưa về nhà lần nào để chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
“Thời khắc này, tôi cùng Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và đoàn công tác của Bộ Y tế đến đây để động viên, chia sẻ và cảm ơn sự nhiệt tình, hy sinh của các đồng chí để chăm sóc người bệnh. Chúng ta có mặt ở đây vì trách nhiệm với các đồng nghiệp, với đồng đội của mình...”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Đón Tết xa gia đình vì sức khỏe người dân
Chia sẻ với Bộ trưởng về những cảm xúc trước lúc giao thừa, từ điểm cầu của BV Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, PGS.TS Trần Như Dương-Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư - tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương cho biết, các thành viên trong tổ rất cảm động vì luôn nhận được sự quan tâm, động viên và khích lệ của lãnh đạo Bộ Y tế, cũng như lãnh đạo tỉnh Hải Dương.
 

Ông Trần Quang Thành- Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương cho hay, BV đã công bố khỏi bệnh cho 30 bệnh nhân vào ngày 30 Tết. Hiện còn 131 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 3 bệnh nhân nặng. Tuy nhiên, hiện các bác sĩ đang kiểm soát tốt tình hình sức khoẻ của các bệnh nhân.
Nhà trường đã huy động hơn 600 sinh viên tham gia công tác xét nghiệm và truy vết. Gần 400 cán bô, viên chức của nhà trường tập trung toàn thời gian cho hoạt động của BV dã chiến. “Chúng tôi đánh giá cao những  nỗ lực và sự tham gia có trách nhiệm của tập thể thầy, trò và toàn thể nhà trường trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Hải Dương. Hình ảnh các sinh viên, cán bộ nhà trường tại thực địa chống dịch rất cảm động”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ từ điểm cầu BV số 2 Quảng Ninh, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc BV cho hay, BV đang điều trị cho 26 bệnh nhân F0. Hiện đa số bệnh nhân ổn định sức khoẻ; hơn 100 trường hợp F1 đang cách ly tại BV, đến ngày 12/2, sẽ giải toả thêm hơn 60 trường hợp để người dân được về nhà đón Tết.
“Nếu nói không nhớ nhà thì không đúng, chúng ta có những thời khắc không về với gia đình, đặc biệt là trong khoảnh khắc gần Giao thừa như bây giờ, nhưng vì sức khoẻ của người dân nên chúng ta ở đây. Chúng tôi hứa với Bộ trưởng sẽ quyết tâm nỗ lực điều trị để mọi người bệnh đều khoẻ mạnh” – bác sĩ Hùng nói và ngay sau đó cùng các đồng nghiệp tại đầu cầu BV số 2 Quảng Ninh hát vang bài “Cùng đón bình minh”...  Những tiếng hát cất lên từ khu điều trị cách ly, nơi các “chiến sĩ” áo trắng đang chiến đấu với Covid-19 đã khiến không ít người xúc động...
Nhà gần bệnh viện nhưng không thể về nhà
Từ điểm cầu BV Dã chiến Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), đại diện BV cho biết, mặc dù xa gia đình trong thời khắc này, nhưng cảm thấy ấm áp vì luôn có đồng nghiệp bên cạnh. Mong ước nhất của tập thể thầy thuốc BV Dã chiến Củ Chi là sự bình an cho tất cả mọi người.
Tại điểm cầu BV Dã chiến Điện Biên cho biết, sức khoẻ của 3 bệnh nhân đang điều trị tại đây ổn định.
 Từ đầu cầu Sở Y tế Quảng NInh
Từ đầu cầu Gia Lai, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai Mai Xuân Hải cho biết, BV Dã chiến Gia Lai trong ngày 30 Tết tiếp nhận 12 bệnh nhân. Viện trưởng Viện Vệ sinh dich tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế Đà Nẵng, BV Bạch Mai... đã đến hỗ trợ Gia Lai. BV có đầy đủ trang thiết bị (kể cả ngoại khoa), có thể tiếp nhận điều trị 200 bệnh nhân.
Từ điểm cầu BV Dã chiến Chí Linh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Phó Giám đốc BV BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang có mặt tại đây cho biết, BV đang điều trị 192 bệnh nhân, trong đó có một số bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương phổi. Tuy nhiên, các bác sĩ đang kiểm soát tốt tình hình, không có bệnh nhân nào phải thở oxy đến thời điểm này...
28 bác sĩ tăng cường và 50 y bác sĩ của Trung tâm y tế Chí Linh đang cùng lúc phải lo 3 nhiệm vụ: điều trị cho 192 bệnh nhân Covid-19, chăm sóc sức khỏe cho người cách ly tại hơn 30 điểm cách ly ở Chí Linh và một phòng khám dành cho các bệnh thông thường đối với người dân Chí Linh, trong điều kiện thành phố này bị phong tỏa. Có những y bác sĩ nhà ngay cổng bệnh viện, nhưng do điều trị bệnh dễ lây, nên vẫn không thể về nhà...
“Ngay thời khắc này, khi chúng tôi tập hợp ở đây để được đón Giao thừa đặc biệt này, thì 2 đồng chí cán bộ của đoàn công tác của Bộ Y tế được điều động đến Chí Linh vẫn đang đi thăm các khu cách ly, chưa kịp về”- BS Cấp nói.
PGS.TS Phạm Ngọc Thạch- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, tâm sự: Khi tham gia điều trị bệnh nhân thì thường phải sau 1,5 tháng, nhân viên y tế mới được ra ngoài, các y bác sĩ toàn tuyến của BV luôn nỗ lực cố gắng để điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bản hùng ca tự hào của ngành y tế
Chia sẻ với các y bác sĩ tham dự đón giao thừa đặc biệt này, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, năm 2020 là một năm dài đối với cả nước và ngành tế, từ Mồng 3 Tết Canh Tý Thủ tướng đã kêu gọi "chống dịch như chống giặc". Trong lịch sử ngành y chưa bao giờ có một năm dài như vậy, chưa lúc nào phải đối phó với căn bệnh lan nhanh như vậy. Tuy nhiên, chúng ta tự hào vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch tốt nhưng vừa làm công tác điều trị tốt, nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống...
 
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trận chiến chống dịch Covid-19 này sẽ kéo dài, ngay cả những nước đã có vắc xin vẫn đang  rất vất vả. Vì vậy, nước ta phải luôn luôn chuẩn bị tâm thế đối đầu với Covid-19.  Mặc dù Bộ Y tế đang cố gắng để đưa vaccine về sớm nhất. Nhưng độ bao phủ, mức độ tiếp cận... thì chưa thể như mong muốn
“Trong thời gian qua, ngành y tế được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận thành công trong chống dịch, các thầy thuốc được gọi trìu mến là “chiến sĩ áo trắng”. Các thầy thuốc của chúng ta đã không kể ngày đêm, không kể khó khăn và gian nan đi dến mọi địa điểm có dịch.  Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trung ương và địa phương, giữa quân với dân tạo nên sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.
Bộ trưởng ca ngợi những tấm gương thầy thuốc tiêu biểu, tham gia chống dịch nhiều điểm nóng, từ Sơn Lôi, Hạ Lôi đến Bình Thuận,  Đà Nẵng, rồi hiện nay lại đón Tết tại Hải Dương... Nhiều y bác sĩ, điều dưỡng đã gác lại công việc riêng, nỗi lo riêng để chăm sóc cho người bệnh, dẫu biết sự lựa chọn đó là gian khổ, rủi ro nhưng vì người bệnh nên đã nỗ lực, không quản ngại... Nhiều cán bộ, nhân viên y tế đêm hôm đi chống dịch, đi truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm... “Tất cả những nỗ lực đó đã làm nên một bản hùng ca rất tự hào của ngành y tế. Chúng ta có sức chiến đấu, có ý chí mạnh mẽ, có sự thừa kế truyền thống tốt đẹp của ngành nên mặc dù lần này chúng ta đối đầu với một trận chiến khó khăn, nhưng tôi tin rằng chắc chắn chúng ta sẽ thành công”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tâm sự với các thầy thuốc trên toàn tuyến điều trị, thuyền trưởng của ngành y đánh giá cao sự nỗ lực của toàn bộ hệ thốngđã đối phó với cuộc chiến chống dịch Covid-19 rất quyết liệt.  Đồng thời chia sẻ: “Tôi mong nhất bình an, nếu không có dịch bệnh thì chúng ta sẽ bình an. Đó là điều mong ước của chúng ta. Mong các đồng chí tiếp tục cố gắng, chúng ta sẽ quyết tâm chiến thắng dịch bệnh”...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần