Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng đầu tư
Tại "Ngày CNTT Nhật Bản 2014" tổ chức ngày 30/10, một hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014, Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, ngày càng có nhiều DN Nhật Bản quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trong hoạt động đầu tư, outsourcing, offstore… Đáng chú ý, nhiều DN Nhật đã chuyển các hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam - quốc gia liên tục lọt vào top 10 nước gia công phần mềm hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo báo cáo của Tập đoàn Gartner.
Bên cạnh những lợi thế về gần gũi văn hóa, giá nhân công rẻ, nguồn nhân lực của Việt Nam cũng là yếu tố hấp dẫn các DN Nhật Bản. Theo số liệu công bố, đào tạo đại học và cao đẳng chuyên ngành CNTT tại Việt Nam chiếm 10,83% tổng chỉ tiêu cao đẳng - đại học. Số lượng sinh viên CNTT tốt nghiệp đạt khoảng 40.000/năm và hiện có khoảng 170.000 sinh viên đang học ngành CNTT.Từ góc độ DN, ông Nguyễn Ích Vinh - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất khẩu Phần mềm Tinh Vân cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường, tăng quy mô và chiều sâu trong hợp tác CNTT với Nhật Bản. Nhưng để nắm bắt được làn sóng này, các DN Việt Nam cần xác định đây là chiến lược lâu dài và phải có sự đầu tư về nguồn lực với năng lực tiếng Nhật và khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các DN Nhật.
Cơ hội cho ngành CNTT
Một thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Đoàn Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản chia sẻ tại "Ngày CNTT Nhật Bản 2014" là từ nay đến năm 2020, nhu cầu nhân lực CNTT ở Nhật Bản sẽ tăng đột biến để phục vụ cho công tác chuẩn bị Olympic 2020 do nước này đăng cai tổ chức. Ngoài ra, có khá nhiều các dự án lớn đang được các cơ quan chính phủ Nhật Bản, các tập đoàn CNTT tại nước này lên kế hoạch để triển khai, nên chắc chắn vấn đề khan hiếm nhân lực CNTT càng trầm trọng hơn. Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, các DN Nhật Bản sẽ tìm kiếm sự bù đắp về nguồn nhân lực CNTT từ các đối tác Việt Nam.
Nắm bắt nhu cầu này, một số DN Việt Nam đã bắt đầu quan tâm hơn tới phát triển nhân lực CNTT, với việc vạch ra chiến lược hành động cụ thể. Đơn cử, Công ty Tinh Vân đã chủ động đầu tư lâu dài vào phát triển nhân sự, các khóa đào tạo nội bộ để xây dựng và phát triển đội ngũ nhân sự đáp ứng được nhu cầu công nghệ, yêu cầu khắt khe của khách hàng. Chiến lược đó cũng thể hiện trong việc đào tạo tiếng Nhật, văn hóa DN trong Công ty và bồi đắp lòng trung thành của từng nhân viên.
Ở quy mô lớn hơn, ngay trong năm 2014 này, Tổ chức Tiên phong CNTT TP Sapporo (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với VINASA triển khai Dự án "Tăng cường môi trường giáo dục để phát triển nguồn nhân lực có tiềm năng cạnh tranh cho ngành CNTT tại Hà Nội". Dự án kéo dài trong 3 năm 2014 - 2016 với tổng kinh phí hỗ trợ 60 triệu Yên (khoảng 12,5 tỷ đồng). Dự án sẽ đào tạo trên 130 kỹ sư nguồn và 10 giảng viên trình độ cao cho Việt Nam. Ông Takayuki Kubo - Giám đốc phụ trách CNTT, Cục Xúc tiến Công nghiệp - Kinh tế TP Sapporo cho biết: "Dự án phát triển kỹ sư cao cấp được thực hiện tại Hà Nội nhằm xây dựng đội ngũ chủ chốt của ngành công nghiệp CNTT Việt Nam trong tương lai. Dự án sẽ trang bị kiến thức, kỹ năng trong 3 công nghệ: Công nghệ nhúng, ứng dụng di động và phát triển dịch vụ web".
Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần nhiều hơn những dự án tương tự như vậy, vì đa số các DN CNTT ở Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, trong khi các công ty Nhật Bản rất cần những đối tác có quy mô nhân sự để đảm bảo thực hiện những dự án lớn.
Ảnh minh họa.
|
"Ngày CNTT Nhật Bản 2014" (Japan ICT Day 2014) lần thứ 8 tổ chức tại Hà Nội quy tụ số lượng DN Nhật Bản tham gia đông nhất, với gần 100 đại biểu đến từ 47 DN. Ngoài ra, còn có nhiều DN quốc tế có mặt tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 cũng tham dự như các DN Hàn Quốc, Israel, Malaysia, Singapore… |