Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dọn mình đi lễ đầu Xuân

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đi lễ cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Ngày Rằm đầu tiên năm Quý Mão lại nhằm đúng dịp cuối tuần, vậy nên dòng người đi lễ tại các điểm lễ hội, chùa chiền, đình miếu, các điểm thờ tự càng thêm đông đúc.

Mà cũng không phải đợi đến ngày Rằm. Ngay từ đầu năm mới, các điểm lễ hội đã nô nức dòng người đi lễ. Đã hình thành nét đẹp từ nhiều năm nay, cứ sau giao thừa, nhiều gia đình đã cùng nhau tới các điểm thờ tự để dâng lễ cầu may mắn, sức khỏe, cầu cho cả một năm hạnh phúc, an lành.

Từ ngày mùng 1 đến mùng 4 Tết Quý Mão, non thiêng Yên Tử đã đón hơn 34.000 du khách, tăng ni, Phật tử. Và chỉ trong ngày khai hội 6 tháng Giêng, hơn 4 vạn tăng ni, Phật tử, du khách đã đổ về miền đất Phật Hương Sơn dự lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội quan trọng và kéo dài nhất hằng năm.

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về các lễ hội quy mô dịp đầu Xuân. Mồng 6 Tết là thời điểm khai mạc các lễ hội lớn như Lễ hội chùa Hương, Hội Gióng đền Sóc, Lễ hội đền Hai Bà Trưng, Lễ hội đền Cổ Loa...

Sau 3 năm bị trì hoãn do dịch Covid-19, các lễ hội trở lại với nhiều điểm mới, mở rộng về quy mô và chất lượng. Lễ hội chùa Hương năm 2023 được tổ chức với chủ đề An toàn, văn minh, thân thiện. Đó cũng là phương châm được ban tổ chức các lễ hội đặt ra và cố gắng hết mình với nhiều biện pháp để thực hiện.

Dễ thấy nhất là ở các lễ hội như chùa Hương, Bái Đính, Tam Chúc, Yên Tử… Ban tổ chức luôn có biện pháp nhắc nhở khách hành hương thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội, không chen lấn xô đẩy, không đốt quá nhiều vàng mã, không thắp hương, đặt tiền lẻ ngoài những nơi quy định, không vứt rác bừa bãi…

Đông đúc du khách thập phương và Phật tử lên chùa Đồng trong ngày khai hội. Ảnh: Lại Tấn.
Đông đúc du khách thập phương và Phật tử lên chùa Đồng trong ngày khai hội. Ảnh: Lại Tấn.

Trong thông điệp gửi tới tăng ni, Phật tử, du khách đi lễ đầu năm, các vị chức sắc tôn giáo đều khuyến cáo người dân một điều căn bản của giáo lý nhà Phật: Phật tại tâm, đi lễ chỉ cần lòng thành mà không cần mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã, càng không nên có những hành vi thiếu văn hóa như chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi…

Giáo lý nhà Phật cũng khuyến cáo mỗi người đến với Đức Phật không phải để cầu xin ban phát tiền tài, danh vọng… mà là tìm đến sự thanh tịnh trong tâm thế, tự bản thân mình hướng tới suy nghĩ và hành động hướng thiện để mong nhận được những điều tốt đẹp, an lành.

Với những nỗ lực nói trên, hình ảnh các lễ hội trong những ngày đầu xuân Quý Mão đã có những chuyển biến tích cực với phương châm trang trọng, an toàn, văn minh, tiết kiệm theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ, những quy định vủa Bộ VHTT&DL.

Tuy nhiên, đó đây không tránh khỏi những hiện tượng chưa đẹp khi đi lễ hội, hành hương về miền đất Phật. Dễ thấy nhất là vẫn là hiện tượng đốt quá nhiều vàng, mã, thắp quá nhiều hương, đặt tiền lẻ ở mọi gốc cây, tường rào, xả rác không đúng nơi quy định… Như trên đã nói, theo giáo lý nhà Phật, đi lễ đầu năm không chỉ là để cầu may mắn, sức khỏe, an lành, mà quan trọng nhất là để cho cái tâm yên tĩnh, hướng thiện, hướng đến những suy nghĩ, hành động tốt đẹp.

Làm được như vậy, ắt sự an lành sẽ tới với mỗi người và mỗi cộng đồng cùng toàn xã hội. Như vậy cũng có thể hiểu rằng, mọi hành vi thiếu văn hóa, ứng xử không đẹp khi đi lễ hội vô hình trung đã làm mất ý nghĩa của việc đi lễ đầu năm.

Mùa Lễ hội năm Quý Mão chỉ mới bắt đầu. Nhắc lại những điều dường như không mới song cũng chưa cũ là thể hiện mong muốn mỗi người trước khi đi lễ, cần dọn cho mình cái tâm thanh tịnh, hướng về những suy nghĩ và việc làm tốt đẹp. Có như vậy, thì mọi mong ước cầu mong may mắn, an lành dịp đi lễ đầu Xuân mới thực sự linh nghiệm, trở thành hiện thực.