Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có được hưởng các loại trợ cấp?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu đáp ứng đủ các điều kiện thì người lao động vẫn được hưởng các loại trợ cấp.

Ngày 22/3, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành NN&PTNT Hà Nội tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những điều người lao động cần biết về Đại hội Công đoàn và chế độ, chính sách liên quan đến người lao động”. Tại đây, các cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động gửi tới các chuyên gia nhiều câu hỏi về chế độ bảo hiểm xã hội, quyền lợi của người lao động khi làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp độc hại cho người lao động; điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài…

Các chuyên gia trả lời câu hỏi của cán bộ, đoàn viên, người lao động. Ảnh: LĐTĐ.
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của cán bộ, đoàn viên, người lao động. Ảnh: LĐTĐ.

Trong đó, có câu hỏi: Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì có được hưởng các loại trợ cấp và lợi ích nào? Nếu hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể có một số quy định khác nhau thì thực hiện theo văn bản nào?

Về câu hỏi này, bà Phạm Thị Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN phản hồi: khi người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đúng pháp luật người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi như sau:

Người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc. Trợ cấp thôi việc được chi trả cho người lao động đáp ứng đủ điều kiện sau: Nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động theo trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật; đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

Nếu đủ điều kiện thì mỗi năm làm việc, người lao động được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Người lao động đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. Ảnh: LĐTĐ. 
Người lao động đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. Ảnh: LĐTĐ. 

Ngoài ra, người lao động được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.

Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không qúa 5 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thời hạn 14 ngày làm việc, chậm nhất là không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Về quy định số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp: Người lao động đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Do đó người lao động có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều lần nhưng tối đa cộng lại cho đến khi đủ tuổi hưu cũng không được hưởng quá 12 tháng/1 người.

Ngoài ra người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả các hồ sơ sau cho người lao động: Trả sổ bảo hiểm xã hội khi đã hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động.

Trong thời hạn 14 ngày làm việc, chậm nhất là không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Với câu hỏi này, ông Tạ Văn Dưỡng – Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội bổ sung: Nếu Hợp đồng lao động và Thoả ước lao động lao động tập thể có một số quy định cao hơn các quy định của pháp luật thì áp dụng thực hiện theo Thoả ước lao động tập thể; điều này đã được quy định rất rõ trong luật.

“Thoả ước lao động tập thể có tính pháp lý cao nhất trong trường hợp đối chiếu với các quy định. Chính vì vậy Thoả ước lao động tập thể có vai trò rất quan trọng, Công đoàn cơ sở cần phải làm tốt việc thương lượng với doanh nghiệp để quyền lợi của người lao động cao hơn luật” – ông Tạ Văn Dưỡng nhấn mạnh.

Đối với câu hỏi người lao động có hợp đồng không xác định thời hạn, khi người lao động muốn nghỉ việc thì có cần thông báo với chủ sử dụng lao động trước thời gian bao lâu? Về vấn đề này, chuyên gia Phạm Thị Thanh Phương  và Tạ Văn Dưỡng cho biết, đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày.

Và, theo quy định mới nhất của Bộ luật Lao động đó là người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do, chỉ cần báo trước và cũng không cần xin, viết đơn đợi chủ sử dụng lao động ký duyệt. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày; hợp đồng lao động từ 12 tháng đến 36 tháng là báo trước 30 ngày; hợp đồng dưới 1 năm, báo trước 3 ngày.