Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ: Sự lựa chọn chiến lược cạnh tranh toàn cầu

TS Hồ Văn Chiểu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt khiến cử tri Mỹ buộc phải lựa chọn một trong hai chiến lược cạnh tranh kinh tế của nước này trên phạm vi toàn cầu.

Thất bại của bà Hillary Clinton là thất bại của một chủ thuyết đã lỗi thời. Điều đó đã tạo ra cơ hội cho tư tưởng phái hữu của Donald Trump thắng lợi.
Bài 1: Chiến lược “thương mại tự do” đã lỗi thời
Địa vị đứng đầu thế giới của Mỹ đang bị xói mòn trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Thực ra, cuộc cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế đã diễn ra ngay khi trật tự kinh tế Bretton Woods được thiết lập. Tận dụng điều kiện là trung tâm của hệ thống, giới tài phiệt quốc tế, đứng sau chính quyền Mỹ - Âu đã đề ra quy tắc, điều hành các công ty siêu quốc gia và hưởng lợi trong quá trình toàn cầu hóa.
Toàn cầu hóa và chiến lược cạnh tranh
Hai giải pháp chiến lược đã được thực thi. Một là, các công ty đã đầu tư 100.000 tỷ USD sang các nước đang phát triển (từ năm 1970 - 2007) để “khai thác nhân công giá rẻ”, thu về 70.000 tỷ USD lợi nhuận. Giải pháp đó một mặt đã tạo điều kiện cho các nước đang phát triển cơ hội công nghiệp hóa, thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển. Mặt khác lại gây ra nạn thất nghiệp ở các nước phát triển, làm gia tăng bất công xã hội. Giải pháp thứ hai là dùng đồng USD thao túng tiền tệ trên phạm vi thế giới. Dựa vào địa vị bá quyền thống trị của đồng USD, giới tài phiệt Mỹ đứng sau chính phủ đã phát hành hơn 200.000 tỷ USD (cũng tính từ năm 1970 - 2007) không có cơ sở kinh tế bảo đảm vào lưu thông toàn cầu. Giải pháp này cũng có tác động hai chiều. Một là, nó đã cung ứng vốn cho các nước đang công nghiệp hóa, tạo cơ hội lớn cho các nước đang phát triển. Mặt khác, nó làm xói mòn và thay thế dần nền sản xuất vật chất, biến các nền kinh tế phát triển thành “kinh tế sòng bạc”. Hậu quả của hai giải pháp đó là thế giới phân thành hai bán cầu: Công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển, phi công nghiệp hóa ở các nước phát triển. Các số liệu đã nói lên điều đó: Đến năm 2008, 47% lợi nhuận của Mỹ, 25% GDP của Anh thu được từ dịch vụ tài chính. Thao túng các “nền kinh tế sòng bạc”, giới tài phiệt Mỹ đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc khủng hoảng Eurozone, cướp đoạt hàng chục nghìn tỷ USD. Nhưng hậu quả của quá trình đó đã làm suy giảm nền kinh tế thực, đe dọa địa vị kinh tế và sức mạnh của Mỹ và Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị soán ngôi.

Lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm tại Công ty Ford Việt Nam. Ảnh:  Trần Việt

Về mặt xã hội của quá trình đó đã làm gia tăng bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo đang đạt tới tột đỉnh: 62 người giàu nhất sở hữu tài sản bằng 3,5 tỷ người. Có tới 250 triệu người thất nghiệp và số nợ lên tới trên 60.000 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu.
Thực trạng đó đã thúc đẩy các cuộc đấu tranh trên hai bình diện. Một là, đấu tranh đòi công bằng như phong trào “Chiếm phố Wall”, “Chống toàn cầu hóa” hay “Brexit”. Hai là, cuộc đấu tranh giữ ngôi bá quyền của Mỹ với các đối thủ muốn hạ bệ, soán ngôi. Tình hình đó đang hình thành “Bẫy Thucyddes” (tình huống dẫn đến xung đột), tạo ra những điểm nóng và các cuộc khủng hoảng cục bộ.
Để giành ưu thế trong các cuộc đấu tranh đó, hai chiến lược kinh tế đã được hoạch định và đưa vào các cương lĩnh tranh cử ở nhiều quốc gia, trong đó có cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ. Đó là chiến lược “Bảo hộ mậu dịch” và chiến lược “Thương mại tự do”, phát triển từ “chủ nghĩa tự do mới”.
Thất bại của Hillary Clinton
Đại diện cho Đảng Dân chủ, ứng cử viên Hillary Clinton lựa chọn chiến lược “thương mại tự do” - một chiến lược đã được Tổng thống Obama thực hiện trong 2 nhiệm kỳ, làm cương lĩnh tranh cử. Bà Hillary Clinton đã nhiệt thành giải thích những nội dung cơ bản của chiến lược đó: Đảm bảo quyền lãnh đạo thế giới của Mỹ; xoay trục sang châu Á; cứng rắn với Trung Quốc; tạo việc làm ở trong nước; nâng cao thu nhập cho tầng lớp trung lưu; bao dung với người nhập cư. Những nội dung này không có gì mới so với chính sách mà ông Obama đang theo đuổi. Chính sách đó tuy có đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của người dân: Kinh tế khôi phục chậm chạp; thất nghiệp có giảm nhưng phần lớn do số người đến tuổi hưu, tách ra khỏi thị trường lao động; cuộc chiến tranh chống khủng bố tiếp tục diễn ra khốc liệt, đã tiêu tốn đến hơn 10.000 tỷ USD. Nếu như bà Hillary Clinton là sự cam kết nối dài chính sách của Tổng thống Barack Obama thì theo kết quả khảo sát, trong khi có 45% cử tri cho rằng chính sách này nên được tiếp tục và cải tiến thì có đến 47% người cho rằng chính sách của nước Mỹ đến lúc cần đi theo xu hướng hữu khuynh.
Thực ra, khi khai thác “chủ nghĩa tự do mới” làm cương lĩnh tranh cử, bà Hillary Clinton đã không nhận thức được rằng, nó đã bị phá sản từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi giới tài phiệt Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng đó đã cướp đoạt của người dân nước này 11.000 tỷ USD và đẩy các nước EU vào cuộc khủng hoảng nợ khủng khiếp kéo dài cho đến tận ngày nay. Ra đời vào những năm 1970, chủ nghĩa tự do mới dựa trên sự phủ định vai trò “bàn tay hữu hình” của nhà nước, chứa đầy những ý tưởng dựa trên nền tảng cơ bản là thị trường luôn luôn điều tiết, phân bố lại những nguồn lực và phục vụ lợi ích chung, đáp ứng những đòi hỏi mới của toàn cầu hóa tài chính. Cuộc khủng hoảng tài chính là dấu hiệu chủ nghĩa tự do mới đã cáo chung. Công cuộc giải cứu của các quốc gia khi đó có thể khắc phục tạm thời các cuộc khủng hoảng, nhưng không thể chữa trị được căn bệnh thuộc về cấu trúc hệ thống của các quan hệ tư bản chủ nghĩa.
Cuộc khủng hoảng tài chính đó là hệ quả của việc phát hành đồng USD tràn lan và cho vay hàng loạt nhằm kích thích tăng trưởng, là kết quả của quá trình phát triển quan hệ tư bản chủ nghĩa theo tư tưởng của chủ nghĩa tự do mới. Tư tưởng tự do mới là một học thuyết chính trị phục vụ cho lợi ích cá nhân, nó không dựa trên nền tảng của một học thuyết kinh tế. Nó cũng không dựa trên kinh nghiệm lịch sử nào. Vì vậy, người ta quy kết xu hướng này là chủ nghĩa tư bản theo kiểu Mỹ. Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy từng lên án, chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ là “điều không thể chấp nhận và không thể tiếp diễn. Mô hình tư bản kiểu này là sự phản bội đối với mô hình tư bản mà chúng ta hằng tin tưởng”. Tổng thống Obama cũng đã thừa nhận: “Những kẻ có tiền và có quyền sẽ tiếp tục đứng đằng sau các quyết định có thể khiến nước Mỹ đi đến chiến tranh, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế, hay đánh mất đi quyền bình đẳng”. Chính vì dựa vào một học thuyết lỗi thời làm cương lĩnh tranh cử, mặc dù được giới tài phiệt Mỹ ủng hộ cả về mặt tiền bạc lẫn dư luận, bà Hillary Clinton vẫn thất bại. Đó là thất bại của chủ nghĩa tự do mới.
            (Còn nữa)