Sản xuất được duy trì
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, do chịu ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5, khiến cho diện tích cach tác trên địa bàn huyện bị thu hẹp.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn nên kết quả tương đối ổn định so với các năm trước. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt ước đạt 532 tỷ 321 triệu đồng, chăn nuôi (kể cả thủy sản) ước đạt 625 tỷ 080 triệu đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
“Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 7.578ha, hoàn thành gieo trồng vụ Xuân 2022 vượt kế hoạch, đảm bảo đúng khung thời vụ. Trong đó, diện tích sản xuất lúa 5.386ha, năng suất 60 tạ/ha, sản lượng trên 32.300 tấn, các cây trồng khác cơ bản duy trì diện tích và sản lượng. Đồng thời huyện cũng đảm bảo duy trì ổn định số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm, tổng đàn gia cầm, thủy cầm khoảng 2.333.000 con (gia cầm lấy thịt: 735.806 con)” - ông Nguyễn Tuấn Hà cho hay.
Để đạt được kết quả nêu trên, huyện tiếp tục duy trì các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGap cho năng suất, hiệu quả cao. Đối với lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục được duy trì phát triển, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung với trên 200 mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao, công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi được đảm bảo.
“Huyện đã tiêm phòng vacxin đại trà đợt 1 năm 2022 cho đàn gia súc gia cầm; tổ chức phun khử trùng tiêu độc 3 đợt tại các chuồng trại chăn nuôi, khu giết mổ, trục đường trong thôn, xóm, khu chứa rác thải, các chợ với tổng diện tích 12.600.000m2; tiêm vaccine cho đàn gia súc, gia cầm, thủy cầm, chó mèo: 1.505.250 liều. Đồng thời, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật từ đầu năm đến nay, chưa có ổ dịch truyền nhiễm ở gia súc, gia cầm, không phát sinh dịch tả lợn châu Phi” - ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết thêm.
Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, toàn huyện hiện có 40 mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín. Đây là những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện phát triển huyện thành quận trong những năm tới.
Trong đó, 10 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích 2,45ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20ha. Ngoài ra, huyện đã hình thành vùng trồng hoa - cây cảnh với diện tích 150ha; vùng cây ăn quả được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50ha...
Cùng với phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, huyện Đông Anh còn tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm; đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà; vùng sản xuất quất Tàm Xá; sản phẩm đậu làng Chài, xã Võng La…
"Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp” - ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.
Với việc đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung chất lượng cao, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của huyện đạt 267 triệu đồng/ha/năm, vượt 117 triệu đồng so với mục tiêu bình quân của giai đoạn 2015 - 2020.
Các mô hình sản xuất theo chuỗi gắn với ứng dụng công nghệ cao đã khẳng định tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của huyện Đông Anh. Việc phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp là một trong những nguồn lực để Đông Anh sớm trở thành quận của TP Hà Nội.
Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí