70 năm giải phóng Thủ đô

Đồng bằng sông Cửu Long tìm giải pháp đảm bảo nguồn nước

Ngọc Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/4, Báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo "Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long".

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho rằng: Hàng trăm ngàn nông dân vùng duyên hải ĐBSCL đang phải đối mặt với hạn, mặn gay gắt. Trước đây chúng ta hay nhắc về ĐBSCL với cụm từ sống chung với lũ ở ĐBSCL, nhưng giờ đây chúng ta phải chuyển qua cụm từ sống chung với hạn mặn. Tại hội thảo lần này, các chuyên gia cùng làm rõ hơn về những vấn đề liên quan đến các giải pháp dài hạn, lộ trình và bước đi phù hợp trong việc ứng phó với hạn mặn tại ĐBSCL.

Ông Trần Xuân Toàn - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ  phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Xuân Toàn - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ  phát biểu tại hội thảo.

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những thách thức lớn của ĐBSCL hiện nay. Cụ thể, nguồn nước mặt phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian. Đặc biêt, ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Tác động của biến đổi khí hậu nên trong giai đoạn 2010 - 2023 làm cho tổng lượng mưa các năm suy giảm từ 5- 10%, đồng thời với việc khai thác thượng nguồn dẫn đến mặn xuất hiện trên ĐBSCL trong những năm vừa qua có xu hướng sớm hơn và mạnh hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, ĐBSCL đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Cùng với đó là vấn đề suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn và nguy cơ ô nhiễm xuyên biên giới, áp lực về gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ,  an ninh nguồn nước - hiện là vấn đề sống còn của vùng ĐBSCL. Trong đó, việc làm sao có các giải pháp thuận thiên là điều phải quan tâm.

Đồng thời, các ngành chức năng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để chủ động trong triển khai các kế hoạch sản xuất, thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong đó ưu tiên cao nhất đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Một số chuyên gia đưa ra giải pháp lâu dài, cần đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ các quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê  duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển các ngành phù hợp với các vùng sinh thái (nước mặn, nước lợ, nước ngọt) đã chỉ ra trong các quy hoạch và Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ việc điều hòa, phân phối nguồn nước để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia phía thượng nguồn sông Mekông, nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, triển khai các phương án, các giải pháp tích trữ nước ngọt với quy mô phù hợp với ĐBSCL, để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, điều tiết nguồn nước...

 

Hội thảo "Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long" là nỗ lực của ban tổ chức nhằm thúc đẩy, tìm giải pháp, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng nguồn nước hợp lý, hướng tới phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua đó, có những hành động thiết thực từ việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trước diễn biến cực đoan của thời tiết hiện nay.