Theo quy định người lao động được nghỉ hưu khi đáp ứng đủ 2 điều kiện là độ tuổi nghỉ hưu và thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Nghị định 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, năm 2024, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là 61 tuổi đối với nam, 56 tuổi 4 tháng đối với nữ.
Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu.
Như vậy, năm 2024, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 61 tuổi, lao động nữ 56 tuổi 4 tháng và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chính phủ đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.
Cụ thể, người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45 – 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì họ phải nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Mức lương hưu của những người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có thể thấp hơn những người có thời gian đóng dài nếu tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là như nhau. Tuy nhiên, những trường hợp này trước đây không đủ điều kiện hưởng lương hưu họ nhận bảo hiểm xã hội một lần (nếu không lựa chọn tự nguyện đóng bảo hiểm xã hội một lần cho thời gian còn thiếu) thì nay sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.
Như vậy, cho dù người đóng bảo hiểm xã hội 15 năm có mức lương hưu có thể khiêm tốn hơn người có thời gian đóng dài nhưng tiền lương ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh. Và, trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ Bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống khi về già của người lao động.