Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm đợi đến tuổi nghỉ hưu hay đóng tiếp?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Người lao động muốn nghỉ hưu sớm thì chỉ có thể về trước 5 năm và cần xét nghiệm y khoa để chứng minh suy giảm sức khỏe. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% mức hưởng.

Ngày 19/10, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy tổ chức Đối thoại Chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe cho lao động nữ, với sự tham dự của gần 300 cán bộ, viên chức, người lao động quận.

Tại buổi đối thoại, các chuyên gia nhiệt tình giải đáp, trao đổi, cung cấp thông tin về chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, các chế độ chính sách liên quan tới người lao động. Cũng như cung cấp các kiến thức chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ.

Các chuyên gia trả lời nhiều câu hỏi của cán bộ, viên chức, người lao động chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe. Ảnh: LĐTĐ.
Các chuyên gia trả lời nhiều câu hỏi của cán bộ, viên chức, người lao động chính sách mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và sức khỏe. Ảnh: LĐTĐ.

Tiền lương, bảo hiểm xã hội là những quyền lợi thiết thân được người lao động đặc biệt quan tâm đặt các câu hỏi gửi tới các chuyên gia. Với câu hỏi, lao động nữ sinh năm 1975 đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 15 năm 3 tháng và hiện đang đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vậy người lao động đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm rồi đợi tới tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu hay tiếp tục đóng đến tuổi nghỉ hưu? Về câu hỏi này, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu phản hồi:

Trường hợp lao động nữ sinh năm 1975 đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đóng tối thiểu là 20 năm và tối đa 30 năm để có mức lương hưu tối đa 75%. Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì có thể lựa chọn thời gian đóng tối thiểu 20 năm trở lên.

Người lao động có quyền lựa chọn số năm đóng bảo hiểm xã hội; có thể tham gia tiếp bảo hiểm xã hội để hưởng mức lương cao hơn hoặc dừng lại sau 20 năm đóng, nếu không muốn tiếp tục.

Với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi thì cần tính tuổi nghỉ hưu của năm đó. Năm 2023, lao động nam nghỉ hưu ở 60 tuổi 9 tháng, lao động nữ 56 tuổi. Người lao động muốn nghỉ hưu sớm chỉ có thể về trước 5 năm và cần xét nghiệm y khoa để chứng minh bị suy giảm sức khỏe. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, người lao động bị trừ 2% mức hưởng.

Người lao động hỏi chuyên gia về việc đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì đợi đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu hay đóng tiếp. Ảnh: LĐTĐ.
Người lao động hỏi chuyên gia về việc đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì đợi đến tuổi nghỉ hưu để lĩnh lương hưu hay đóng tiếp. Ảnh: LĐTĐ.

Đối với trường hợp người lao động trong 1 tháng nghỉ làm việc 14 ngày không hưởng lương có phải đóng bảo hiểm xã hội, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho hay: Tại văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 20/6/2020 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định: người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội. Trường hợp người lao động chỉ nghỉ 2 ngày không lương, theo quy định vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội.

Theo quy định, lao động nữ được nghỉ dưỡng sức sau thai sản. Người lao động nghỉ dưỡng sức tùy theo điều kiện khi sinh là sinh non, sinh thường hay mổ, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Thời gian nghỉ dưỡng sức từ 5 – 10 ngày, chỉ được tính trong 30 ngày đầu kể từ khi người lao động đi làm trở lại. Khi người lao động muốn nghỉ dưỡng sức chỉ cần đơn vị đề nghị, không cần giấy xác nhận của bác sĩ.