Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được nghỉ hưu sớm, tuổi 55 - 60

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Chính phủ đã có Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó, bổ sung quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp người lao động bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, những người bắt đầu tham gia BHXH tự nguyện trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1/7/2025) và có đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.

Chính phủ đề xuất người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi với nữ. Ảnh minh họa.
Chính phủ đề xuất người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi với nữ. Ảnh minh họa.

Chính phủ cũng đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện: Khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức ngân sách nhà nước đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). Chế độ thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Việc Chính phủ đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện dựa trên cơ sở Nghị quyết số 28-NQ/TW. Và, trong quá trình khảo sát thực tiễn việc tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu quan trọng đó chính là chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ cho người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Thực tiễn thời gian qua, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.

Báo cáo kết quả thực hiện Luật BHXH năm 2014 (giai đoạn 2016 – 2021), Bộ LĐTB&XH cho biết, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia BHXH tự nguyện đã góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian qua. Theo đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng mạnh từ khoảng 0,2 triệu người tham gia năm 2016 lên gần 1,45 triệu người tham gia năm 2021, chiếm 3,25% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 7,25 lần so với năm 2016).

Số người tham gia BHXH tự nguyện có sự gia tăng lớn, tuy nhiên nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan đánh giá chưa đủ tính hấp dẫn cho chưa có các chế độ ngắn hạn như chính sách BHXH bắt buộc. Nhiều người lao động phản ánh việc phải đóng đủ từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài, khiến nhiều người lao động không đủ động lực để tham gia BHXH tự nguyện.

Mặc dù chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế hướng tới việc gia tăng số người nghỉ hưu, tuy nhiên thời gian qua, số người được tham gia BHXH tự nguyện hưởng bảo hiểm một lần khá cao. Cụ thể, năm 2020 có 1.125.236 người tham gia BHXH tự nguyện, 11.887 người hưởng BHXH một lần, chiếm 1,1%. Năm 2021 có 1.449.820 người tham gia BHXH tự nguyện, 12.365 người hưởng BHXH một lần, chiếm 0,8%.

“Việc đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, nhằm thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc bổ sung chế độ này được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng giảm sinh”- đại diện Bộ LĐTB&XH cho hay.