Kinhtedothi - Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực, thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ, khai thác hiệu quả các hiệp định, các cam kết thương mại… là những giải pháp cốt lõi cần thực hiện đồng bộ trong thời gian tới để nâng cao năng suất lao động của Việt Nam.
Theo Báo cáo công bố ngày 19/8/2014 của ILO và ADB về năng suất lao động của ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2007-2013 đã có bước cải thiện, thu hẹp đáng kể khoảng cách với các nước trong khu vực. Năm 2007 năng suất lao động của các nước ASEAN gấp 2,12 lần so với Việt Nam, đến năm 2013 khoảng cách này đã thu hẹp, còn 1,98 lần.
Báo cáo nêu trên cho thấy năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn rất thấp trong ASEAN. Nhiều ý kiến cho rằng, do trình độ nghề nghiệp của lao động Việt Nam thấp nên dẫn đến tình trạng trên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhận định như vậy chưa phản ánh đúng bản chất của năng suất lao động và thực tế của Việt Nam. Bởi lẽ, năng suất lao động là kết quả phát triển lâu dài của đất nước và do nhiều yếu tố chi phối, không phải chỉ do trình độ nghề nghiệp lao động. Chính vì vậy, để cải thiện năng suất lao động quốc gia cần nhiều giải pháp đồng bộ và thực hiện từng bước để tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: Nông nghiệp, công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.
Phát triển toàn diện nguồn nhân lực
Có một nghịch lý được chỉ ra là mặc dù Việt Nam luôn vượt lên trên Singapore, Malaysia, Thái Lan trong các cuộc thi tay nghề, nhưng năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần và chỉ bằng 2/5 năng suất lao động khi so sánh với người Thái Lan. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp?
Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân, nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội. Có thể khẳng định, trình độ kỹ năng và chuyên môn của lao động Việt Nam không có sự chênh lệch lớn với các nước trong khu vực, nhưng những “kỹ năng mềm” như khả năng thích ứng công nghệ, trình độ ngoại ngữ, làm việc nhóm, tính hợp tác,... còn kém, đã cản trở không nhỏ tới hoạt động sản xuất. Đây được xem là nguyên nhân lớn dẫn tới việc năng suất lao động của Việt Nam có nhiều thua kém.
Chính vì vậy, muốn nâng cao năng suất lao động cần phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực, đẩy nhanh đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề có chất lượng cao, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tạo chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác đào tạo với cơ sở đào tạo nghề.
Theo ông Dương Đức Lân, trước năm 2000, chúng ta đào tạo nghề theo hình thức “có gì dạy đấy”, nhưng sau năm 2000 đã chuyển từ hướng cung sang hướng cầu. Hiện nay, 230 chương trình khung đã được ban hành, bao gồm các kiến thức kỹ năng cốt lõi được hình thành sau quá trình phân tích nghề. Chương trình khung được ban hành trên cơ sở nhu cầu, kiến thức, kỹ năng do doanh nghiệp yêu cầu.
Ông Dương Đức Lân cho biết đến năm 2015, thị trường lao động chung ASEAN sẽ được hình thành, đòi hỏi cần hướng tới đào tạo nghề đạt trình độ quốc gia, khu vực và quốc tế được các nước trên thế giới công nhận. Trong năm 2014, Tổng cục Dạy nghề sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho cả hệ thống theo Chiến lược phát triển dạy nghề như: Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề… Trước mắt, Tổng cục sẽ hợp tác với Australia triển khai chương trình đào tạo giáo viên ở cấp độ nghề khu vực. Phía bạn đào tạo 12 nghề để thực hiện chuyển giao các chương trình, giáo trình, với 600 giáo viên tuyển chọn từ các địa phương tham gia.
Từng bước nâng cao năng suất các ngành kinh tế
Trong phiên thảo luận toàn thể tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (ngày 30/10), phát biểu về vấn đề cải thiện năng suất lao động và nâng cao thu nhập cho người lao động, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năng suất lao động của một quốc gia là tổng hợp năng suất lao động của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế.
Theo tính toán, năm 2014 năng suất lao động khu vực công nghiệp của nước ta gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn năng suất lao động khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và năng suất lao động của người nông dân.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất lao động, các chuyên gia cũng cho rằng, đầu tư cho khoa học-công nghệ là điểm mấu chốt. Các doanh nghiệp Việt đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó khăn về vốn.
Để tháo gỡ khó khăn này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất cần các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sát với thực tế. Chúng ta đã có những động thái như đã có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ doanh nghiệp; đồng thời đã trừ phần chi phí để đầu tư khoa học công nghệ trước khi tính thuế cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã tạo bình đẳng tiếp cận nguồn vốn khoa học công nghệ quốc gia cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần thực hiện hiệu quả các chương trình quốc gia về đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao và sản phẩm quốc gia. Đặc biệt, cần áp dụng cơ chế đặt hàng, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng công nghệ cao và nghiên cứu phát triển, thu hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.
Nâng cao năng suất các ngành công nghiệp, dịch vụ là một trong những giải pháp cốt lõi để tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa.
|