Hà Nội là một trong những thành phố có nhiều làng nghề nhất cả nước. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tới đây Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó TP vừa giao sở, ngành liên quan thẩm tra, đóng góp ý kiến dự thảo của thành phố để chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trườnga làng nghề.
Theo dự thảo kế hoạch của UBND thành phố, tiến hành điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố theo 8 loại hình sản xuất (Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm (2016 - 2017). Hoàn thành việc điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã, huyện theo các nhóm A (Cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp), nhóm B (Cơ sở có một hoặc một số công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao) và nhóm C (Cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao); đồng thời rà soát, phân loại các cơ sở trong làng nghề phải được cập nhật bổ sung hàng năm thực hiện trong hai năm (2016-2017).
Hà Nội sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Ảnh minh hoạ.
|
Trong năm 2015, thực hiện phê duyệt Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó lập danh mục 152 cụm tiểu thủ công nghiệp với diện tích quy hoạch hơn 1.500 ha nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
Cũng trong văn bản này, UBND thành phố chỉ đạo xem xét đưa các điều kiện vệ bảo vệ môi trường đã được quy định là tiêu chí bắt buộc trong việc công nhận các làng nghề, thời gian thực hiện bắt đầu từ năm 2016. Rà soát các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các làng nghề đã được công nhận, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề đã được công nhận nhưng chưa đáp ứng các điều kiện vệ bảo vệ môi trường, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu vực dân cư nông thôn. Đánh giá mức độ ô nhiễm, tình hình xử lý chất thải tại các làng nghề trên địa bàn thành phố, công khai thông tin về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề; cập nhật thông tin thường xuyên đối với các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng.
Rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các khu, cụm công nghiệp đã xây dựng; lập và tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình bảo vệ môi trường đối với các khu, cụm công nghiệp chưa đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định. Khuyến khích và tạo điều kiện cho việc thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường hoặc hương ước, quy ước trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Triển khai thu các loại phí bảo vệ môi trường đối với các hộ, cơ sở trong làng nghề nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng làng nghề về bảo vệ môi trường, tạo nguồn thu cho công tác khắc phục ô nhiễm môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải trên địa bàn.
Tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề cho cán bộ các cấp làm công tác quản lý môi trường làng nghề; các khóa đào tạo, tập huấn về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề.
Quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề; kiểm soát chặt chẽ việc phát sinh và xử lý chất thải nguy hại từ khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc quản lý chất thải nguy hại trái với các quy định của pháp luật. Hỗ trợ kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường theo quyết định của UBND thành phố ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội.