Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 10/5, tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội), Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng”.

Hội thảo nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024). Tới dự có các đồng chí: Phạm Quang Nghị - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Lại Xuân Môn - Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Về phía Hà Nội, có đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Doãn Toản - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh; đại diện gia đình đồng chí Đào Duy Tùng.

Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành T.Ư; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội; đại diện Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và các sở, ban, ngành trực thuộc TP Hà Nội và nhiều nhà khoa học…

Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc - Ảnh 1

Quảng cảnh hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng

Đồng chí Đào Duy Tùng – Người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Truyền thống yêu nước cách mạng của quê hương, gia đình đã hun đúc lên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng cháy bỏng và tác động sâu sắc đến nhận thức tư tưởng của đồng chí.

Trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng; trưởng thành từ phong trào quần chúng ở cơ sở, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ huyện, tỉnh đến lãnh đạo cao cấp của Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trước sau đồng chí vẫn giữ trọn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trên mỗi cương vị được phân công đảm trách, đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vượt qua nhiều khó khăn thử thách.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng

“Những đóng góp của đồng chí trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận góp phần quan trọng vào thắng lợi hai cuộc kháng chiến, đặc biệt trong công cuộc đổi mới của Đảng từ 1986 đến nay. Đồng chí Đào Duy Tùng cả đời cống hiến, gắn bó với công tác xây dựng Đảng, đã góp nhiều công sức cho các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng - lý luận, đường lối, quan điểm của Đảng. Tự hào và noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội quyết tâm, phấn đấu xây dựng, phát triển Thủ đô trở thành TP Văn hiến - văn minh - hiện đại” – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Đồng chí Đào Duy Tùng – Người cộng sản kiên trung

 

Cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm, tôi cảm nhận ở anh một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với nhau những điều suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng.

Nhà báo Hà Đăng – nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư), nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, đồng chí Đào Duy Tùng là cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng được trưởng thành từ cơ sở, đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã Cổ Loa và tích cực tham gia lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Sau khi được kết nạp Đảng đã tiếp tục tham gia phong trào cách mạng, gắn bó mật thiết với Nhân dân trên cương vị Tỉnh ủy viên tỉnh Phúc Yên, Phó Bí thư tỉnh ủy Phúc Yên, rồi được điều động về Khu ủy Việt Bắc, công tác tại tỉnh ủy Cao Bằng...

GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng
GS.TS Lê Văn Lợi – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng

Từ khi được điều về công tác ở T.Ư, đồng chí Đào Duy Tùng hoạt động, gắn bó hầu hết thời gian với lĩnh vực tư tưởng, lý luận và được ghi nhận, khẳng định là một nhà lý luận xuất sắc có nhiều công trình, tác phẩm mang giá trị cao. Trên cơ sở thế giới quan, phương pháp luận mácxít, với tư duy năng động, sáng tạo, năng lực nắm bắt thực tế, tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đồng chí đã luôn bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo lý luận vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của tiến trình đổi mới đất nước; đồng thời không ngừng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận của Đảng và cách mạng Việt Nam, nhất là trong những năm đầu Đổi Mới.

 

Trong binh đao khói lửa của chiến tranh, đất nước Việt Nam áp dụng cơ chế phù hợp thời chiến và đã phát huy tác dụng, với mô hình Xô viết đặc trưng bởi bao cấp, hành chính, gặp mảnh đất tốt trong chiến tranh. Nhưng sau ngày thống nhất đất nước, cơ chế đó không còn phù hợp nữa. Ngay từ thời điểm này đồng chí Đào Duy Tùng là người ủng hộ ngay từ đầu những người đổi mới, tức là ủng hộ tư tưởng đổi mới đất nước, ủng hộ sự ra đời của “Khoán 100” và sau này là “Khoán 10”.

PGS. TS Mạch Quang Thắng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

“Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng”, nhằm tưởng nhớ cuộc đời cách mạng cao đẹp và tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ” - GS.TS Lê Văn Lợi cho hay.

Căn cứ theo chương trình làm việc, hội thảo tập trung vào một số nội dung quan trọng gồm: Đồng chí Đào Duy Tùng từ người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; Đồng chí Đào Duy Tùng - Người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng ta; Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà lý luận xuất sắc của Đảng; Đồng chí Đào Duy Tùng - tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng; Đồng chí Đào Duy Tùng - Người con ưu tú của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu bế mạc hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn - Uỷ viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, sau một thời gian chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 40 bản báo cáo, tham luận. Trên cơ sở tổng hợp các nội dung có thể thấy, với phương pháp luận và nghiên cứu khoa học được vận dụng nhuần nhuyễn trong nghiên cứu tiểu sử lãnh tụ, danh nhân. Các nhà khoa học đã tập trung đi sâu phân tích, luận giải, đánh giá, làm sáng rõ các nội dung liên quan.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng
Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lại Xuân Môn phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: Phạm Hùng

Từ nhiều góc độ khác nhau và bằng những lý giải khoa học, một số báo cáo tham luận đã tập trung làm rõ tác động của dòng họ, gia đình, quê hương cũng như bối cảnh lịch sử đối với việc hình thành nhân cách và chí hướng cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng. Hội thảo đã làm rõ hơn cuộc đời hoạt động và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng.

“Hà Nội vinh dự và tự hào có người con ưu tú như đồng chí Đào Duy Tùng. Noi gương đồng chí Đào Duy Tùng, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội quyết tâm phấn đấu xây dựng Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, với danh hiệu: Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo” – đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh.