Đống Đa tuyên truyền pháp luật qua xét xử lưu động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2016, TAND quận Đống Đa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an - Viện KSND và chính quyền địa phương tiến hành các phiên tòa xét xử lưu động đạt chất lượng, hiệu quả và an toàn.

Do vậy, đã có tác dụng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật rộng rãi trong Nhân dân và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Theo ông Đào Vĩnh Tường – Chánh án TAND quận Đống Đa, trong hoạt động xét xử, TAND quận tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08/NQTW ngày 2/1/2002 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Nhân dân trong hoạt động xét xử. Qua đó, các phán quyết của Hội đồng xét xử đảm bảo tính khách quan, công bằng, dân chủ và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công dân. Quá trình xét xử luôn chú trọng, tập trung nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; đảm bảo quyền bào chữa của luật sư và các đương sự; đồng thời phát huy được tính dân chủ trong hoạt động tố tụng của tòa án.
Một phiên tòa xét xử đối tượng phạm tội tại TAND quận Đống Đa.
Một phiên tòa xét xử đối tượng phạm tội tại TAND quận Đống Đa.
Đối với việc thi hành án phạt tù, trong 6 tháng của năm 2016, đã có 329 bị án phải thi hành án, TAND quận đã ra 329 quyết định, đạt tỷ lệ 100%. Riêng số bị án thi hành án nhưng đang được tại ngoại là 88. Đồng thời, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội và quận Đống Đa về đấu tranh chống tệ nạn ma túy, mại dâm, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các phường nơi có người phạm tội cư trú xử lưu động 104 vụ với 113 bị cáo.
Trong 6 tháng đầu năm, TAND quận Đống Đa đã thụ lý 1.096 vụ án và giải quyết 831 vụ (đạt tỷ lệ 75,83%). Số lượng vụ án thụ lý tăng so với năm 2015 là 219 vụ. Đáng chú ý, án lao động thụ lý tăng hơn 37 vụ so với cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ giải quyết đạt 86,7%, chủ yếu là các vụ việc đòi tiền bảo hiểm xã hội...

Hiệu quả của các phiên tòa xét xử lưu động mang lại đó là, thông qua hình thức xét xử này, những quy định phạm pháp luật sẽ đến với người dân một cách cụ thể, dễ hiểu. Qua đó, nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên và đã tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Vì vậy, đây được đánh giá là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực và dễ đi vào đời sống Nhân dân. Đồng thời, những người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ quá trình tòa án giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể nên họ sẽ hiểu rõ hơn pháp luật quy định đối với từng trường hợp như thế nào và bị xử lý ra sao để từ đó sẽ có ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Tường, để đảm bảo chất lượng các phiên tòa lưu động, TAND quận đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương trong việc chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc tổ chức phiên tòa, như: Lựa chọn các vụ án để đưa ra xét xử lưu động, chọn địa điểm, thời gian xét xử, công tác bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau phiên tòa. Ngoài ra, tên vụ án, thời gian, địa điểm xét xử cũng được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhiều người dân biết và đến theo dõi phiên tòa.

Với cách làm bài bản, đúng quy trình thủ tục tố tụng nên đã nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó góp phần ngừa tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.