Theo đó, vào lúc 3 giờ 27 phút 45 giây (giờ Hà Nội) ngày hôm nay (30/3/2023) một trận động đất có độ lớn 2.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.891 độ vĩ Bắc, 108.316 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 5.5 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trước đó, vào hồi 20 giờ 18 phút 49 giây (giờ Hà Nội) ngày 29/3/2023, một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.760 độ vĩ Bắc, 108.286 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trên Biển Đông, vào hồi 16 giờ 37 phút 14 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/3/2023 một trận động đất có độ lớn 3.4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (13.159 độ vĩ Bắc, 110.146 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km.
Động đất xảy ra tại khu vực Biển Đông, cách TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 82 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Như vậy, trong tháng 3, theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, tại Việt Nam đã xảy ra khoảng 32 trận động đất, có cường độ trên dưới 3 độ Richter, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0, chủ yếu xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Trả lời trên báo Sức Khỏe&Đời sống hôm 29/3/2023, PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý Địa cầu cho rằng, Việt Nam nằm ở khu vực Thái Bình Dương, mà Thái Bình Dương là nơi có hiểm họa về sóng thần, đã được đánh giá là cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù các vùng bờ biển ở Việt Nam được bao bọc bởi rất nhiều các quốc gia xung quanh như Trung Quốc ở phía bắc, Philippines ở phía đông, Thái Lan ở phía tây và Indonesia, Malaysia ở phía nam, vì thế các trận động đất gây sóng thần ở Thái Bình Dương đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Việt Nam có 25 kịch bản sóng thần đã được tính sẵn (chủ yếu liên quan tới đới hút chìm Manila). Theo kịch bản có sẵn thì nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 5,2 m ở Quảng Ngãi và 2,1 m ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ Richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, đến nay Việt Nam chưa từng bị sóng thần tấn công, nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với hiểm họa sóng thần. "Tôi cho rằng đây là nhiệm vụ, cần phải có sự chủ động, cảnh giác, sẵn sàng ứng phó trong tương lai", ông Nguyễn Hồng Phương nói.