Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng hồ đếm ngược tại Hồ Gươm bắt đầu được tháo dỡ

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quan sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chiều ngày 25/1, một phần khuôn viên di tích đền Bà Kiệu được quây bạt, một vài công nhân đã trèo lên màn hình led của đồng hồ đếm ngược để tháo khung nhôm, hệ thống đèn điện.

Trong công văn mới đây, Sở VH&TT Hà Nội đã đề nghị Công ty Cổ phần Thương mại và quảng cáo An Dương (chủ đầu tư dự án đồng hồ đếm ngược tại Hồ Gươm) tự tháo dỡ chiếc đồng hồ đếm ngược. Sở VH&TT ra hạn chót đến ngày 30/1, Công ty An Dương không tự tháo dỡ, Sở sẽ phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lực lượng thanh tra cưỡng chế công trình này.
Chiều 25/1, một phần khuôn viên đền Bà Kiệu đã được quây bạt, phục vụ công tác tháo dỡ.
Cho dù, Công ty An Dương đã có tờ trình mong muốn tiếp tục duy trì chiếc đồng hồ đếm ngược ở Hồ Gươm đến năm 2023 nhưng nội dung không nhận được sự đồng tình của lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Trước đó, lãnh đạo UBND TP đã ký công văn yêu cầu các đơn vị liên quan tháo dỡ màn hình, giải tỏa vật tư, vật liệu ra khỏi khu vực nhằm giữ gìn cảnh quan tôn nghiêm, phát huy giá trị không gian di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Bởi vì, chiếc đồng hồ đếm ngược nằm trong quần thể đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh và không gian hồ Hoàn Kiếm thuộc di tích quốc gia đặc biệt.
Trong 10 năm hoạt động, chiếc đồng hồ đếm ngược bên cạnh việc thực hiện sứ mệnh lịch sử là đếm ngược đến đại lễ, tuyên truyền, quảng bá các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội phục vụ nhiệm vụ chính trị của TP Hà Nội còn dành thời lượng để phát sóng các chương trình quảng cáo. Tồn tại ở khu vực cấm quảng cáo của Hà Nội, chiếc đồng hồ đếm ngược được cho là vị trí “vàng” của quảng cáo.
Ngày 20/12/2017, Công ty An Dương có tờ trình số 05 gửi UBND TP Hà Nội đề nghị “tiếp tục cho phép vận hành màn hình led tại Hồ Gươm phục vụ tuyên truyền, quảng bá văn hóa chính trị của Thủ đô”. Đơn vị này liệt kê loạt tác dụng như làm màn hình sân khấu cho các chương trình sự kiện diễn ra tại khu đền Bà Kiệu, tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn hằng năm như thành lập Đảng, 30/4, ngày sinh Hồ Chủ tịch, ngày giải phóng Thủ đô, tuyên truyền di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, quảng bá hình ảnh Hà Nội.
Công ty này thừa nhận hạn chế: Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào các vấn đề văn hoá xã hội chính trị còn thông tin kinh tế, giáo dục và y tế chưa nhiều; hình ảnh thể hiện khẩu hiệu tuyên truyền chưa phong phú và chỉ tuyên truyền trong phạm vi quận Hoàn Kiếm. Thực tế một số người dân từng phản ánh nhiều hình ảnh quảng cáo không phù hợp với tượng đài Cảm tử và đền Bà Kiệu gần đó. Đơn vị đầu tư kỳ vọng màn hình này “trở thành một trong những niềm tự hào của người dân, là nơi lưu giữ thời gian bởi những hình ảnh đẹp về Hà Nội”, hay nơi cập nhật thông tin về đất nước.
Sau khi vẽ ra nhiều mục tiêu, phương hướng cho màn hình led ở vị trí đắc địa, họ đề xuất TP “tiếp tục cho phép phục vụ tuyên truyền, quảng bá văn hóa, chính trị của Thủ đô với thời lượng chính trị/thương mại là 80%/20% giai đoạn 2018-2019, 50/50 giai đoạn 2020 - 2021 và tiến tới 40/60 giai đoạn 2022 - 2023”.
Một trong những bất cập lớn nhất xung quanh màn hình led này chính là vi phạm Luật Di sản Văn hoá. Đồng hồ đếm ngược nằm cạnh đền Bà Kiệu, nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt. UBND TP Hà Nội từng ban hành Chỉ thị số 16 về việc cấm quảng cáo ở khu vực Hồ Gươm. Ông Tô Văn Động cho biết, với những lí do trên nên Sở VHTT Hà Nội kiến nghị UBND TP yêu cầu tháo dỡ ngay khi hết hạn. Sau những yêu cầu quyết liệt từ các cơ quan quản lý, ngày 25/1, Công ty An Dương đã buộc phải tháo dỡ chiếc đồng hồ đếm ngược.