Động Hoàng Xá (động Hoàng) nằm trong núi đá vôi Hoàng Xá, thuộc quần thể “Thập lục đại danh sơn” của phủ Quốc xưa, gồm 16 quả núi lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là núi Thầy. Dường như cái ồn ào, ngột ngạt của phố thị cũng ngỡ ngàng dừng bước trước hồ sen mát rượi ngay bên trái cổng vào.
Hồ sen còn được gọi là Giếng Cả, rộng gần 2 mẫu, nước không bao giờ cạn. Ở giữa hồ có chùa Tám Mái trên một gò đất nổi, được nối vào bờ bằng cây cầu hình bán nguyệt. Kiến trúc thủy đình thường bắt gặp ở những ngôi chùa, đền bề thế, có từ lâu đời như chùa Thầy, hay đền Cổ Loa. Theo quan niệm địa lý cổ thì toàn bộ hệ thống núi đá vôi ở khu vực này đều là chi long, mà gân mạch bắt nguồn từ núi tổ Tản Viên (Ba Vì), uốn lượn nổi chìm theo địa long mạch, kéo dài hàng chục ki-lô-mét để tạo nên vùng núi non đột khởi giữa miền đồng bằng mênh mông, bát ngát của Xứ Đoài. Động được hình thành do quá trình vận động tạo sơn của địa tầng. Sau cổng động Hoàng là một khu vườn nhỏ mở ra hai lối đi. Bên phải vào chùa Hoa Văn, lối kia hướng lên núi.Hoàng Xá là “động thủng” xuyên từ sườn bên này sang sườn bên kia, nên động được chiếu sáng theo hai hướng chính là Đông và Tây Bắc. Khi có ánh nắng mặt trời rọi vào, động lung linh kỳ ảo sắc màu của nhũ đá… Động thoáng rộng với vòm cao gần 100m và thông với tầng lộ thiên. Nền động có nhiều phiến đá tự nhiên ghép lại thành tảng lớn. Tương truyền xa xưa đây là chỗ cho tiên đánh cờ. Ngày nay, phiến đá rộng là điểm lý tưởng để du khách nghỉ chân, tận hưởng cảm giác khoan khoái khi đón nhận luồng gió mát từ cửa động thổi vào. Phía bên trong động có các khối nhũ tạo hình voi đứng, voi nằm, có kích cỡ gần bằng voi thật. Chẳng thế mà nhiều người ví von động Hoàng Xá là chốn bồng lai bị quên lãng.Trong âm thanh huyền hoặc, mơ màng của tiếng cầu kinh phật, tượng thờ một vị quan văn, mặc áo tiến sĩ, đầu đội mũ cánh chuồn, vẻ mặt đăm chiêu, tư lự hiện lên rõ nét trên vách lớn nhất của động Hoàng Xá. Đó là ông Cao Xuân Dục (1842 - 1923) – một vị quan chính trực và là danh sĩ đời Duy Tân triều Nguyễn. Khi Hoàng Cao Khải theo Pháp muốn làm Phó Vương, bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên vua, Cao Xuân Dục đã không ký. Ông bị gièm pha và bị giáng chức về làm tri phủ Quốc Oai. Sau khi ông mất, dân tạc tượng thờ ở giữa Động Hoàng. Quãng thời gian ông về làm tri phủ Quốc Oai tuy ngắn ngủi nhưng ông đã truyền bá tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và truyền thống hiếu học cho người dân phủ Quốc…