Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Động lực mới cho tổ chức thực hiện quy hoạch, phát triển Thủ đô

Vũ Cúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho TP Hà Nội xây dựng các cơ chế đặc thù, vượt trội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch.

Điều này kỳ vọng sẽ tạo được bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển Thủ đô.

Hoàn thành 3 nhiệm vụ lớn

Công tác quy hoạch, phát triển không gian kinh tế - xã hội cũng như xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội luôn được TP Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong xây dựng Thủ đô. Bởi quy hoạch luôn được coi là công cụ định hướng quan trọng của nhà nước, là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn nước rút hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt hai quy hoạch quan trọng, đó là đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình thực hiện xây dựng các quy hoạch này đã gắn chặt với xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự thống nhất, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Thủ đô trong những năm tới.

Luật Thủ đô (sửa đỗi) tạo động lực mới cho Hà Nội phát triển bền vững.
Luật Thủ đô (sửa đỗi) tạo động lực mới cho Hà Nội phát triển bền vững.

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), thời gian qua, Hà Nội đã tiến hành đồng thời 3 nhiệm vụ rất quan trọng: Sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đến nay một trong ba nhiệm vụ đã hoàn thành, Quốc hội ấn nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), hai quy hoạch lớn cũng sẽ được cấp thẩm quyền xem xét phê duyệt trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội vô cùng lớn để Hà Nội thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Vấn đề là ngay sau đây TP Hà Nội cần khẩn trương cụ thể các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội quy định trong Luật để sớm đưa vào triển khai trên thực tiễn.

Sớm xây dựng kế hoạch để thực hiện

Bày tỏ kỳ vọng lớn khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh, trên thế giới không quá 10 nước có Luật riêng cho thủ đô. Vì vậy với việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hộc và Nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

“Cùng với các Nghị quyết quan trọng của T.Ư liên quan tới Thủ đô Hà Nội được ban hành thời gian gần đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ tạo ra khung pháp lý để nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo động lực mới cho việc tổ chức thực hiện quy hoạch và cũng được xem như kim chỉ nam để phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới”- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

 

Song song với việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) để trình Quốc hội, UBND TP Hà Nội cũng đã xây dựng dự thảo kế hoạch tổ chức thực hiện Luật ngay sau khi được thông qua và có hiệu lực thi hành. Vấn đề hiện nay là TP cần sớm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức xã hội, Nhân dân đối với kế hoạch này để sớm triển khai trên thực tế.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có hẳn một chương về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, trong đó nêu rất rõ các căn cứ để thực hiện quy hoạch phát triển, cải tạo, tái thiết đô thị. Nhất là nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô. Đồng thời, xác định rõ việc quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô; vai trò, ý nghĩa của trục sông Hồng, sông Đuống…

Đặc biệt, một lần nữa trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập cụ thể đến việc phải di dời các cơ sở không còn phù hợp ra khỏi đô thị trung tâm TP với điểm đổi mới là UBND TP Hà Nội được quyết định danh mục, biện pháp và lộ trình di dời các cơ sở. Và một trong những vướng mắc trước đây là quỹ đất sau khi di dời chưa được quy định cụ thể, nay được Luật Thủ đô (sửa đổi) khẳng định rõ là giao cho Hà Nội để xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ không gian xanh.

Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có hẳn 1 điều về không gian ngầm, theo nhiều chuyên gia, việc này tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới cho phát triển Thủ đô. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị.

Đặc biệt, đưa ra quy định UBND TP Hà Nội thành lập và quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử. Đây có thể coi là một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa chủ trương cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử mà nhiều năm qua không thực hiện được do thiếu nguồn lực.

Mặc dù Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra hơn 50 chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội nhưng đây mới chỉ là những chính sách khung. Như vậy, Hà Nội cần phải có những quy định để cụ thể hóa, đưa cơ chế, chính sách đặc thù triển khai ngay vào thực tiễn.

Sau khi Luật Thủ đô 2012 được ban hành, chỉ trong vòng không đầy 1 năm, HĐND TP đã ban hành gần 20 Nghị quyết để cụ thể hóa. Với Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này gồm 7 Chương, 54 Điều (tăng 3 Chương, 27 Điều so với Luật Thủ đô 2012), đây là công việc rất lớn, đòi hỏi vai trò nỗ lực của HĐND TP, sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy nhằm nhanh chóng cụ thể hóa những quy định khung của Luật thì mới bảo đảm Luật đi vào thực tế cuộc sống một cách hiệu quả.