Kích cầu tiêu dùng
Trong ngày đầu tiên của năm mới (2024), người dân, doanh nghiệp vui mừng, phấn khởi khi chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) chính thức có hiệu lực. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân phường Dương Nội, Hà Đông cho biết, trong bối cảnh chi phí cho sinh hoạt hàng ngày và tiêu dùng thiết yếu đã, đang và tiếp tục tăng, việc giảm thuế VAT có ý nghĩa trực tiếp tới đời sống người dân. Đặc biệt, từ nay tới Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa của các gia đình đều tăng cao, nếu được giảm thuế sẽ giúp người dân có điều kiện đón một cái Tết sung túc hơn.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2024.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) đánh giá, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách giảm thuế VAT. Giảm thuế VAT góp phần giảm giá bán và giảm trực tiếp chi phí tiền mua hàng hoá của của người dân.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm 2% mức thuế VAT góp phần làm giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Từ đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, tăng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Thực tế, qua 2 lần giảm thuế VAT (năm 2022 và 2023) cho thấy, giảm thuế VAT là một trong những nhân tố quan trọng giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, tạo động lực tăng tiêu dùng nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, trong đó có thuế VAT cũng đã tác động đến tổng cầu của nền kinh tế và hoạt động của DN.
Bình ổn thị trường xăng dầu
Cũng trong ngày đầu năm mới 2024, Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được giảm 50%. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng về mức 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít. Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Chờ đón ngày chính sách chính thức có hiệu lực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Bá Bằng chia sẻ, xăng dầu như huyết mạch của ngành vận tải, chiếm tới 30 - 40% tổng chi phí. Vì vậy, khi giá xăng, dầu tăng quá cao, dịch vụ bắt buộc phải tăng theo, đồng nghĩa sẽ giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực tế, trong suốt năm 2023, khi giá xăng, dầu được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp vận tải. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc giá xăng, dầu được hỗ trợ thuế sẽ là động lực lớn cho ngành vận tải nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Thuế bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Việc tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ tiếp tục góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu.
Đồng thời, sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhất là doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như vận tải, đánh bắt hải sản...
Mặc dù giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu làm giảm gần 43.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách nhưng mang lại nhiều lợi ích, hỗ trợ tích cực cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.