Xuất hiện nhiều sản phẩm đa dạng, sống động về vấn đề an sinh xã hội
Giải bình chọn “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số” được biết đến là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ chuỗi sự kiện dành cho sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền của Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 - do Báo Kinh tế & Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid) và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp tổ chức.
Trước đó, tháng 4/2024, 60 sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đào tạo kỹ năng lựa chọn đề tài an sinh xã hội, kỹ năng dựng tác phẩm Podcast. Báo Kinh tế & Đô thị và các tổ chức liên quan đã phối hợp chặt chẽ với Học viện Báo chí và Tuyên truyền triển khai nhiều hoạt động như: tổ chức khóa tập huấn kỹ năng lựa chọn đề tài, sản xuất sản phẩm Podcast; trang bị những kiến thức liên quan đến vấn đề quyền của nữ công nhân lao động, người khuyết tật, thanh thiếu niên dân tộc thiểu số và việc đảm bảo an sinh xã hội cho những người yếu thế…
Trên cơ sở những kiến thức, kỹ năng đó, các sinh viên có thêm sự đồng hành, giúp đỡ của các phóng viên, biên tập viên Báo Kinh tế & Đô thị, các giảng viên báo chí của Học viện, những sản phẩm dự thi dần dần hình thành. Sau hơn 2 tháng từ ngày phát động, và gần 6 tháng được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, "nung nấu" ý tường, tìm đề tài, đã có 26 tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả đã gửi tham dự cuộc bình chọn. Và con số này, vượt ngoài mong đợi của Ban tổ chức.
Chất lượng tác phẩm dự bình chọn khá tốt, chủ đề phong phú, đa dạng phản ánh đa chiều cuộc sống. Đặc biệt, đã có nhiều tác phẩm phản ánh được dòng thời sự chủ lưu liên quan đến người lao động, nhất là người yếu thế. Đó là những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của những nữ công nhân, nữ lao động phi chính thức; những vướng mắc khi tiếp nhận và triển khai chính sách của người lao động… Một số tác phẩm được chia thành nhiều kỳ, phỏng vấn nhiều chuyên gia, người lao động tại các tỉnh, TP (Hà Nội, Cà Mau, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…).
Mặt khác, cách thức thể hiện các tác phẩm dự thi được đầu tư công phu, khai thác được ưu thế của công nghệ hiện đại, ưu thế của dạng thức Posdcast. Đó là việc sử dụng tiếng động hiện trường, âm nhạc; đó là những sản phẩm với những giọng đọc thể hiện của chính các em khá truyền cảm, thuyết phục…
Các tác phẩm xuất sắc dành giải cao phải kể đến: “Cánh cửa việc làm dành cho người khiếm thính” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Mai Loan, Nguyễn Hồng Như Ngọc (giải Nhất); “Bảo hiểm xã hội tự nguyện trong nền kinh tế số: An sinh đổi mới cho lao động phi chính thức" của tác giả Dương Thị Bảo Ngọc (giải Nhì)…
Có thể thấy, những tác phẩm Podcast tham dự Giải bình chọn "Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số" lần này có thông điệp rõ ràng, ý nghĩa, thể hiện sự đầu tư với những góc nhìn có chiều sâu, thể hiện được trách nhiệm của các bạn sinh viên - những người làm báo - làm truyền thông tương lai với mảng đề tài an sinh xã hội và đặc biệt là với nhóm người yếu thế.
Truyền thông số - Khó khăn và thách thức cho tác giả không chuyên
Nhân dịp lễ trao Giải bình chọn “Tác phẩm truyền thông số góp phần cải thiện tiếp cận an sinh xã hội trong nền kinh tế số”, diễn ra ngày 31/10 vừa qua, Ban tổ chức Chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” năm 2024 đã tổ chức Talkshow “Truyền thông số - Khó khăn và thách thức cho tác giả không chuyên”. Tại đây, nhiều câu chuyện, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn liên quan việc thực hiện truyền thông số đã được chia sẻ.
Qua thời gian đồng hành với sinh viên trong quá trình sản xuất sản phẩm truyền thông số, TS Đinh Thị Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông (thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong sản xuất các sản phẩm truyền thông. Do vậy, công tác đào tạo cũng phải đáp ứng được xu thế mới này. Đối với sinh viên, khó khăn trong sản xuất sản phẩm truyền thông không phải là việc tiếp cận “cái mới” mà nằm ở việc sàng lọc thông tin và lựa chọn đề tài để truyền tải thông điệp trong tác phẩm của mình.
Ngoài ra, kỹ năng truyền thông số một cách chính xác, hiệu quả và kịp thời cũng là một trong những thách thức mà những tác giả không chuyên phải đối mặt.
Theo Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo, tiềm năng và cơ hội của các tác giả không chuyên trong thời đại nền tảng số ngày nay là rất lớn. Song, để làm thành tác phẩm “có tâm, có tầm” là điều không dễ dàng. Và câu chuyện đưa ra truyền thông không chỉ dừng lại ở “vấn đề” mà còn cần cả những “giải pháp”… Truyền thông số không chỉ dành cho các tác giả chuyên nghiệp, mà Ban tổ chức còn mong muốn những tác giả ở khắp mọi nơi, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận thông qua nền tảng số.
Liên quan đến các tác phẩm truyền thông, tại buổi Talkshow, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cũng đã có những chia sẻ về sự khác biệt giữa sản phẩm truyền thông truyền thống với sản phầm truyền thông số.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, sản phẩm truyền thông số phải bắt nguồn từ sản phẩm truyền thông truyền thống nhưng được số hóa và ứng dụng công nghệ số vào trong quá trình tổ chức thực hiện, sản xuất. Điểm khác biệt đặc trưng nhất là với sản phẩm truyền thông số có sự tương tác với độc giả một cách đa chiều, đồng thời, có tính cá nhân hóa cao. Theo đó, sản phẩm số có thể sản xuất ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, từ đó có thể phản ánh nhanh nhất, chân thực và rõ nét nhất cũng như tạo ra sự đa dạng, phong phú cho tác phẩm…
Mặt trái của sản phẩm truyền thông số là yếu tố tác động ngược, phản tác dụng mà tác phẩm truyền thông muốn hướng tới; như: thông tin thiếu đầy đủ, bị bóp méo hay cắt ghép… Tuy nhiên, tác phẩm truyền thông số lại được giới trẻ tiếp cận nhiều hơn tác phẩm truyền thống.
“Báo chí cần có sự thay đổi ngược trở lại, đề cao giải pháp, có tính chuyên sâu. Thì mới giữ được vị trí, trật tự đúng của cơ quan báo chí truyền thống - thư ký của thời đại, định hướng dẫn dắt dư luận xã hội”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi khẳng định.
Mặc dù để làm nên một tác phẩm truyền thông số đối với các tác giả không chuyên vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nhất định. Song, với sự nỗ lực, đam mê, đổi mới sáng tạo và tiếp cận công nghệ mới, nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa và nhân văn đã ra đời. Và điển hình là 7 tác phẩm Podcast xuất sắc chủ đề về an sinh xã hội do sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện thời gian vừa qua.
Đạt giải xuất sắc với tác phẩm “Cánh cửa việc làm dành cho người khiếm thính”, đại diện nhóm tác giả, em Nguyễn Thị Thành, sinh viên lớp Phát thanh K41 chia sẻ: “Giải bình chọn là cơ hội để các bạn sinh trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền được tiếp cận với cách sản xuất một tác phẩm truyền thông số mà cụ thể là tác sản phẩm Podcast. Thông qua lớp tập huấn, sinh viên chúng em đã vượt qua được cảm giác e dè ban đầu trước đề tài về an sinh xã hội. Nhờ có sự hỗ trợ từ Ban tổ chức và các thầy cô, tác phẩm Podcast của chúng em đã ra đời và đạt được kết quả cao, từ đó, tạo động lực trên bước đường trở thành những nhà báo trong tương lai”.