Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng màu

Minh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cao tốc, quốc lộ về phố còn xa mà nhìn 4 phía vẫn thấy làng ôm lấy phố. Nhìn đồng đất mùa này đang phơi ải, làm màu chợt nghĩ, nhà cao tầng mùa Đông chắc hẳn cửa kính phải đóng để ngăn những vi vút gió lùa.

Đồng mùa phơi ải thong dong, rạ sẽ khô xác lẫn vào đất, làm giàu cho đất. Đồng đất đã bao mùa phơi ải có lẽ chỉ giời đất biết, cất giùm làng và cho con người ta nỗi nhớ.

Nhớ, năm ấy được mùa, dân thôn dư dả đóng góp nhiều, chùa làng được hoàn tất, miếu làng được trùng tu hay con đường về làng được tôn cao. Nghe như các cụ nói, cây đa đầu làng đã được vun trồng đúng năm đó… Nhớ, năm ấy giáp hạt, bãi dong trước cửa quán đã cứu đói người dân của mấy làng trong đê.

Cánh đồng bát ngát tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Cánh đồng bát ngát tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Mùa Đông, mùa phơi ải, xen canh gối vụ đồng đất ngoại thành cho con người ta, nhất là những người ngụ cư, những người gốc quê, những người trong tâm hồn chất chứa dấu quê mùa chộn rộn xúc cảm tin cậy và cất giữ.

Không ai bỏ hoang mà là mùa Đông ruộng rau muống được thả rông, loài rau cần nước mà giờ gặp hanh hao, khô lạnh thì sắt lại, cằn cỗi. Chắt chiu từ độ người ta bỏ hái đến giờ, những nụ hoa đã âm thầm đếm sương để rồi mùa Đông về hoa tím, hoa trắng nở khắp ruộng. Phải nói rằng, những rau cải, su hào, hoa lơ, cải bắp đã “gánh” hộ rau muống mùa Đông, để rau muống thảnh thơi nở hoa thế này.

Khác với những vùng chuyên canh trồng rau củ, xưa nay ở nhiều miền quê, cứ đến mùa phơi ải người ta sẽ chọn những chân ruộng phù hợp để làm màu.

Đây có thể coi là vụ thứ 3 của năm, nhiều chân ruộng hợp trồng màu mà chủ nhân làm không xuể hay thiếu nhân lực thì họ vẫn cho người trong họ, trọng làng mượn đất để trồng các loại rau, củ, quả ngắn ngày.

Kết thúc vụ màu bao giờ cũng vừa đẹp để kịp làm đất vào vụ cấy lúa Xuân. Làm màu không quá vất vả nhưng khuya sớm, chăm chút như nuôi con mọn. Từ làm đất, phân tro, đến đánh luống, gieo trồng, chăm tưới đến thu hoạch phải chuẩn kẻo công cốc. Người khéo tính, bắt được đúng dịp đầu mùa thì phải nói là thắng lợi. Người có kỹ thuật, giống má chuẩn, bán buôn, bán lẻ gặp may có thể vụ màu này “gánh” được cái Tết cho gia đình.

Dòng sông Đáy đã khác xưa, nước cạn dòng, nhưng những cánh đồng màu bên sông xưa nay vẫn đẹp như tranh với những mảng màu khác nhau, biến đổi theo ngày, theo tuần.

Lang thang về mạn xứ Đoài, đừng nghĩ thẳng đường về phía núi, mà hãy rẽ vào bất kể con đường liên xã, liên thôn, hay 1 con dốc đê nào bạn muốn, sẽ thấy hết “sắc thái vụ màu” của người dân ven đô.

Chẳng cần nhớ là Quốc Oai, Thạch Thất, hay nhớ lối Biên Giang, Đồng Mai, Trầm, Phụng Châu hay Chương Mỹ… mà chỉ thấy, chợ rau thế nào thì đồng đất như thế. Lứa nọ nối tiếp lứa kia, nhà trồng bí lấy quả, nhà lại chỉ bán rau. Ruộng đậu nhà này đã khô rạc, đậu nhà kia mới leo giàn. Đang mùa Đông mà mướp và mùng tơi cũng vẫn nhiều, khác xưa thật!

Suốt dọc đê Đáy gió thổi, có những khúc cây ăn quả xanh ngắt, chắn tầm mắt. Có những mảng lại mới chỉ xanh lún phún, chắc là khoảnh này người ta mới gieo trồng cũng không biết là rau hay rau thơm. Nhà trồng cải lứa đầu đã bán xong, mặt luống còn đầy trấu phủ.

Đừng nghĩ tro trấu đã hết “sứ mệnh” của mình. Dẫu là đất phù sa thì tro trấu vẫn cần để mầm cây vươn lên. Mớ cải đến lứa còn đỡ, chứ mua mớ cải tỉa là trấu vương còn nhiều.

Ruộng súp lơ xanh lớn lên gặp đúng độ còn nắng nên còi và không đẹp mã, may mà bán hòa vốn. Mã xấu, nhưng gặp người dễ tính vẫn chọn loại của nhà ngon lành này. Cải mèo cũng đã về xuôi, có lẽ đã quen với những chân ruộng màu, xanh om và cao ngất.

Những ruộng khoai tây luôn gợi nhớ đến giống khoai tây ta củ nhỏ, vàng thơm, bở tơi năm xưa mẹ và bà vẫn dặn: “Khoai này chỉ cạo, bổ đôi chứ gọt có mà hết!”. Khoai tây mới dỡ, nấu với cà chua, bát canh mùa Đông năm xưa ngon đến nhớ đời. Cũng lại nhớ giống khoai Tây Đức tăng sản cho năng suất cao mà nhạt thèo.

Nhớ những ngày đi mót khoai bi về nấu cám lợn, về lại còn nhặt một mớ om chua ngọt ăn với cơm nóng, ngọt tuyệt vời.

Suốt cả chân núi Trầm, suốt cả đê Đáy, suốt cả bên Nhuệ Giang, Tích Giang, những cánh đồng phơi ải xen lẫn đồng màu, ruộng màu khi ánh lên dưới nắng vàng, ngày lại sắt lại trong gió rét mùa Đông, nhưng không lúc nào vắng người. Xưa rau sợ sương muối táp mất cả lứa, nhưng nay lưới chắn cũng đã khắc phục được nhiều. Xưa ô doa, ô dòa tưới su hào, bắp cải tính luống. Giờ vòi nước chạy điện chỉ cần bật công tắc nhàn tênh.

Người thành phố xem thời tiết lo trang phục cho hợp, nhưng cách đó có mấy mươi cây, người quê vẫn lo tính lứa rau của nhà mình. Nói thế thôi, canh nông nhàn hơn xưa nhiều, ít lệ thuộc giời đất hơn xưa, nhưng xem ra “trông giời, trông đất, trông mây” vẫn chưa phải đã thoát. Nhất là với những cánh đồng xen canh giữa hai vụ lúa.

Thành phố được bao bọc bởi làng, đi về ngoại thành phía nào cũng đẹp, bất kể phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Hay chẳng phải đi xa, cứ lên cầu Long Biên già nua, nhìn xuống bãi hay có thời gian xuống chơi và ngắm bãi sông cũng đủ thấy một vụ màu tươi đẹp, phong phú và nếu muốn còn thu mua về những sản phẩm tươi ngon được nuôi dưỡng từ phù sa dòng sông mẹ. Và rồi bữa cơm nhà sẽ rôm rả hơn bởi câu chuyện về mảnh đất nơi mình gắn bó.