Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: Đề nghị mở dải phân cách trạm thu phí BOT Trảng Bom

Trương Hiệu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/2/2022, Cục Quản lý đường bộ 4 đã có công văn đến Tổng Cục đường bộ Việt Nam, đề nghị điều chỉnh và bổ sung điểm mở dải phân cách giữa khu vực trạm thu phí BOT Cường Thuận tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Theo Cục Quản lý đường bộ 4, hiện nay một số hộ dân ở ấp Bàu Cá (xã trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) tiếp tục có ý kiến phản ánh, đề nghị mở dải phân cách giữa trạm thu phí BOT tuyến Quốc lộ 1. Cụ thể, phía trước trạm thu phí (về hướng tỉnh Bình Thuận) có 2 điểm mở: Điểm mở dải phân cách thứ nhất giữa từ km 1841+031-km 1841+076, chiều rộng 35m; điểm mở dải phân cách thứ hai giữa từ km 1841+284+km1841+500, chiều rộng 216m.

Dải phân cách tại trạm thu phí BOT trân Quốc lộ 1, thuộc huyện Trảng Bom.
Dải phân cách tại trạm thu phí BOT trân Quốc lộ 1, thuộc huyện Trảng Bom.

2 điểm này được mở tạm từ tháng 10/2017 để điều tiết giao thông khu vực trạm thu phí, đồng thời phục vụ cho người dân và các phương tiện ra vào trung tâm xã Trung Hòa.

Để đảm bảo an sinh xã hội của các hộ dân sống tại ấp Bàu Cá (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) và ý kiến thống nhất của Ban ATGT, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Phòng CSGT và UBND huyện Trảng Bom tại hiện trường, Cục Quản lý đường bộ 4 đề nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam chấp thuận và giao Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận mở mới dải phân cách tại km 1841+725+km 1841+758, chiều rộng 33m; đồng thời thu hẹp điểm mở dải phân cách giữa đoạn từ km 1841+284+km1841+500 xuống còn 100m (đoạn từ km 1841+284+km1841+384).

Trước đó, trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa được Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuân xây dựng từ năm 2015, tại ranh giới xã Tây Hòa và Trung Hòa (thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Phía Đông của trạm, một dải phân cách được xây dựng bằng bê tông đã bít luôn đường qua lại, kéo dài hơn 300m. Vì thế, người dân ở trong khoảng 300m bị kẹt dải phân cách đã không thể đi về tự do mà phải mua phí 2 lần qua lại trạm thu BOT đường tránh Biên Hòa.

Một số hộ dân sinh sống quanh khu vực trạm thu phí này cho rằng, giải phân cách đã dẫn đến công việc làm ăn của họ gặp khó khăn, thậm chí có hộ dân buộc phải đóng cửa phá sản. Như cửa hàng Nông ngư cơ Phát An của ông Trần Đức Bài, trại cá giống cổ phần Bàu Cá 2. Các cửa hàng vật liệu xây dựng và quán cà phê ăn theo mặt tiền đường cũng bỏ hoang.

Một số hộ dân xung quanh đoạn dải phân cách cho rằng cuộc sống của họ càng khó khăn kinh tế kể từ ngày có dải phân cách.
Một số hộ dân xung quanh đoạn dải phân cách cho rằng cuộc sống của họ càng khó khăn kinh tế kể từ ngày có dải phân cách.

Ông Trần Đức Tài - chủ cửa hàng kinh doanh máy Nông ngư cơ Phát An cho biết, trước đây ông và nhiều người dân ở đây đã ký đơn gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai, Chi Cục Giao thông đường bộ V.2 và cả Cục Giao thông đường bộ phía Nam đề nghị gở bỏ một khoảng dải phân cách làm lối đi quay đầu cho xe ô tô.

Các cơ quan chức năng đều đã nhất trí việc mở một lối ở dải phân cách, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tạo điều kiện cho an sinh xã hội nhưng trạm thu phí BOT vẫn phớt lờ.

Tháng 10/2019 các cơ quan chức năng đã tổ chức cuộc họp giải quyết. Trong “văn bản kiểm tra hiện trường” của cuộc họp ngày 31/10/2019, các cơ quan chuyên môn và chính quyền đều đồng ý theo nguyện vọng của người dân là mở dải phân cách cứng. Dù cuộc họp đã thống nhất đồng thuận gỡ dải phân cách nhưng từ hai năm qua dải phân cách này vẫn nằm yên tại chỗ.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hoàng Khang - Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Thuận cho biết: “Việc mở dải phân cách không phải là muốn hay không muốn, mà chúng tôi phải phụ thuộc vào các quy định của Nhà nước, phụ thuộc vào thẩm quyền của Cục Quản lý đường bộ 4 và Tổng Cục đường bộ Việt Nam có cho phép hay không”.