Trước đó, ngày 17/2, bệnh nhân kêu mệt, đau bụng vùng thượng vị không đi chợ được nên gia đình chở đến phòng khám. Bà C. được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, được kê thuốc uống và về nhà nghỉ ngơi.
Đến ngày 19/2, bệnh tình của bà C. tiến triển nặng nên gia đình đưa bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh cấp cứu và được chẩn đoán sốt xuất huyết nặng.
Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình trạng bệnh của bà C. tiếp tục chuyển biến xấu nên gia đình cam kết xin đưa bệnh nhân về nhà. Đến chiều 26/2, bệnh nhân đã tử vong tại nhà.
Theo kết quả chẩn đoán cuối cùng, bệnh nhân bị sốt xuất huyến nặng, biến chứng sốc, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, xuất huyết hậu môn và trực tràng, viêm dạ dày không đặc hiệu, bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline, tổn thương mụn nước dưới da.
Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ đã phối hợp với trạm y tế cơ sở đến nhà bệnh nhân điều tra và xử lý ổ dịch, vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại khu vực có ca tử vong, phòng lây nhiễm sang những người khác.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, từ đầu năm đến nay, địa bàn huyện này có 33 ca mắc sốt xuất huyết, riêng tại xã Lâm San có 2 ca.
Theo CDC Đồng Nai, trong tháng 2, toàn tỉnh ghi nhận 380 ca mắc sốt xuất huyết Dengue nhập viện, trung bình 95 ca/tuần (53% là trẻ em), tăng 4% so với tháng 1 (367 ca).
Bệnh sốt xuất huyết lây truyền chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh này tốt là diệt muỗi, lăng quăng, phòng muỗi đốt, giữ vệ sinh nhà và môi trường xung quanh.
Mỗi người có thể mắc tới 4 lần sốt xuất huyết với 4 type huyết thanh khác nhau, nguy cơ lần mắc sau sẽ nặng hơn lần trước. Hiện sốt xuất huyết chưa có vaccine, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.