Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: Một xã có 900 hộ dân hơn 40 năm sống trong cảnh “hai không”

Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm hộ dân tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đang sống trong tình cảnh có nhà nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi phát sinh nhu cầu xây dựng nhà ở thì không thể xây dựng mới được. Cả chính quyền và người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Có khoảng 900 hộ dân xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đang trong cảnh hai không: đất không có sổ đỏ, nhà không được xây mới.
Có khoảng 900 hộ dân xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đang trong cảnh hai không: đất không có sổ đỏ, nhà không được xây mới.

Những ngày cuối tháng 9/2023, chúng tôi đến xã Xuân Bắc, đi trên đường, nhìn những vườn mít, chuối, thanh long xanh mướt xen lẫn trong khu dân cư. Nhưng khi trò chuyện với những người dân và cán bộ xã Xuân Bắc, chúng tôi thật ngạc nhiên, đã hơn 40 năm qua, khoảng 900 hộ dân sinh sống nơi đây trong cảnh “hai không” (không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và không được xây dựng mới).

Hàng trăm hộ dân dọc hai bên đường Xuân Bắc - Bảo Quang (xã Xuân Bắc) ở xen lẫn trong các vườn cây trái, hơn 40 năm qua họ mong mỏi có được giấy tờ nhà hợp pháp để khi cần mang ra vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
Hàng trăm hộ dân dọc hai bên đường Xuân Bắc - Bảo Quang (xã Xuân Bắc) ở xen lẫn trong các vườn cây trái, hơn 40 năm qua họ mong mỏi có được giấy tờ nhà hợp pháp để khi cần mang ra vay vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Đất có tên người, nhưng không có miếng giấy lận lưng

Ông Trần Thế Tĩnh (trưởng ấp 6, xã Xuân Bắc) chở chúng tôi đi một vòng tham quan và nói: “Riêng ấp 6 có khoảng 700 hộ dân, nhưng 100% nhà đất của số hộ này không được cấp sổ đỏ. Người dân gặp rất nhiều khó khăn, khi cần vốn đầu tư sản xuất thì ngân hàng chỉ cho vay tín chấp trong hạn mức không quá 100 triệu đồng, không ai được vay số tiền lớn hơn thế, vì đất nhà không có sổ đỏ”.

Đến nhà ông Bùi Đức Lợi (ở tổ 6, ấp 6, xã Xuân Bắc), ông Lợi cho biết gia đình ông từ tỉnh Quảng Trị vào huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) năm 1976, làm công nhân cho Nông trường quốc doanh Thọ Vực, được nông trường cấp cho 1 ha để trồng mía. Trên mảnh đất đó, gia đình ông Lợi xây ngôi nhà và ở đến hôm nay. Hiện gia đình ông có 8 người con đã lập gia đình.

ông Bùi Đức Lợi (ở tổ 6, ấp 6, xã Xuân Bắc, mặc áo đỏ) nói nghe như một nỗi buồn của cuộc đời: “Không có chi hết. Đất có tên người, nhưng giấy tờ (sổ đỏ) thì không có miếng lận lưng!”.
ông Bùi Đức Lợi (ở tổ 6, ấp 6, xã Xuân Bắc, mặc áo đỏ) nói nghe như một nỗi buồn của cuộc đời: “Không có chi hết. Đất có tên người, nhưng giấy tờ (sổ đỏ) thì không có miếng lận lưng!”.

Ông Lợi đọc vanh vách tên những người con đang làm nhà ở bên cạnh mình: Bùi Đức Quốc, Bùi Đức Trung… Mỗi người con đều được ông Lợi cắt chia cho 6 mét ngang đất mặt tiền đường Xuân Bắc - Bảo Quang để xây dựng nhà ở. Rồi ông Lợi nói nghe như một nỗi buồn của cuộc đời: “Không có chi hết. Đất có tên người, nhưng giấy tờ (sổ đỏ) thì không có miếng lận lưng!”.

Ông Lợi than thở: “Qua nhiều lần họp hội đồng nhân dân các cấp (xã, huyện), người dân chúng tôi đã có rất nhiều kiến nghị về việc chính quyền cần xem xét cấp sổ đỏ cho dân, thế nhưng mọi chuyện vẫn đứng im. Người dân chúng tôi không hề lấn chiếm đất, mà vào đây sinh sống đều theo chủ trương của Nhà nước. Chỉ mong sao chính quyền giúp dân bớt khó khăn”.

Trường hợp gia đình ông Hồ Đức Phú (ngụ ấp 1, xã Xuân Bắc) đang sinh sống trên thửa đất 1,4 ha. Đây là mảnh đất do cha me ông nhận chuyển nhượng từ người khác từ năm 1994 (không phải diện nhận đất giao khoán từ Nông trường quốc doanh Thọ Vực). Đất ở ổn định, không tranh chấp. Do căn nhà cũ qua 30 năm đã mục nát, nên ông xây một căn nhà hai tầng khá khang trang để gia đình ba thế hệ ở.

Thế nhưng, khi đang xây dựng thì UBND xã Xuân Bắc đến lập biên bản hành vi vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Sau đó UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Tự ý chuyển mục đích từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn).

Ông Phú cho biết: “Gia đình tôi có mẹ già, con cái, cháu chắt ở trong căn nhà dột nát đã 30 năm qua, bao nhiêu gian khổ, có lần nước ngập nhà, chập điện giật con tôi đi cấp cứu. Không xây nhà mới để ở thì biết ở đâu? Thực tế có nhiều hộ gia đình xung quanh, thời gian qua cũng cải tạo, xây dựng mới, góp phần khang trang cho bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương”.

Khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lý trật tự xây dựng

Ông Trần Văn Trình - Chủ tịch UBND xã cho biết, về đất đai thì Nông trường quốc doanh Thọ Vực quản lý, nhưng về hành chính, dân cư, trật tự xây dựng thì xã quản lý. Khi con cái lập gia đình và tách ra khỏi hộ gia đình đều phải xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống. Những hộ dân tự xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà đều nằm trong quy hoạch khu dân cư của Nông trường quốc doanh Thọ Vực trước đây. Điều này đã gây khó khăn trong công tác quản về trật tự xây dựng trên địa bàn trong thời gia qua.

Con đường Xuân Bắc - Bảo Quang kéo dài khoảng 6 km, dọc hai bên đường các cụm dân cư mọc lên, có những ngôi nhà mới xây dựng khang trang, đó là nhu cầu cuộc sống phát sinh khi các hộ gia đình tách hộ, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự xây dựng.
Con đường Xuân Bắc - Bảo Quang kéo dài khoảng 6 km, dọc hai bên đường các cụm dân cư mọc lên, có những ngôi nhà mới xây dựng khang trang, đó là nhu cầu cuộc sống phát sinh khi các hộ gia đình tách hộ, gây khó khăn cho công tác quản lý trật tự xây dựng.

Cũng theo ông Trần Văn Trình, hơn 40 năm nay, câu chuyện những căn nhà không sổ đỏ, không được tách thửa, không được xây dựng đã được cử tri xã Xuân Bắc đề đạt nhiều lần với chính quyền các cấp. Nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận, chứ chưa có giải pháp nào cụ thể để giải quyết dứt điểm ước nguyện an cư lạc nghiệp của người dân.

Xã Xuân Bắc được thành lập năm 1987 trên cơ sở tách từ xã Xuân Thọ và Nông trường quốc doanh Thọ Vực. Riêng diện tích đất có nguồn gốc từ Nông trường quốc doanh Thọ Vực quản lý là 1.391 ha theo Quyết định số 448/QĐ.CT.UBT ngày 21/5/1977 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về thành lập Nông trường quốc doanh Thọ Vực, gồm các loại đất như: đất ở, đất giao thông, đất sản xuất nông nghiệp... Trên diện tích đất này, đến nay, có khoảng 900 hộ dân thuộc ấp 1, ấp 3B, ấp 4B, ấp 5 và ấp 6 xã Xuân Bắc đã và đang sinh sống, sản xuất ổn định từ năm 1977 đến nay.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, địa phương cùng nhân dân đã triển khai làm đường giao thông, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, khang trang, sạch đẹp. Tuy nhiên, vấn đề những căn nhà “2 không” đã trở thành nỗi trăn trở của không chỉ nhân dân mà còn của chính quyền địa phương nơi đây. Tháng 6/2010, UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thọ Vực (khu 3D) với diện tích hơn 522 ha (đất của Nông trường quốc doanh Thọ Vực) cho Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai thực hiện (Dofico).

Phương án sau khi thực hiện dự án xong sẽ bàn giao số diện tích còn lại về địa phương quản lý. Tuy nhiên tính đến nay, thời gian triển khai kiểm kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ mới đạt khoảng hơn 50%; số còn lại chưa thực hiện từ năm 2016 đến nay. Qua ghi nhận, một số diện tích đất thu hồi cho dự án hiện đang bỏ hoang không canh tác.

Ông Trần Văn Trình cho biết, khi triển khai dự án, người dân rất đồng thuận. Nhưng tiến độ thực hiện chậm, hiện nay đã quá thời hạn, khiến người dân sống trong cảnh chậm được đền bù, có đất, có nhà nhưng không thể làm sổ đỏ, không được xây dựng mới. Với địa bàn rộng, dân cư đông, sinh sống ổn định hơn 40 năm nay. Cộng với việc dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Thọ Vực chậm thực hiện khiến việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Rà soát, báo cáo lên UBND tỉnh để có hướng tháo gỡ khó khăn

Theo báo cáo của UBND xã Xuân Bắc gửi đến UBND huyện Xuân Lộc, việc chậm thực hiện dự án tại diện tích đất do Nông trường quốc doanh Thọ Vực quản lý dẫn đến việc chậm thực hiện phương án giải thể của đơn vị này. Trước đó, tháng 12/2017, Nông trường quốc doanh Thọ Vực (được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Thọ Vực) đã trình phương án giải thể lên cấp có thẩm quyền. Trong đó có nội dung sẽ bàn giao cho địa phương quản lý diện tích đất giao khoán theo NĐ 01/NĐ - CP hiện không quản lý được, theo kết luận thanh tra của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai về việc quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH MTV Thọ Vực tại xã Xuân Bắc.

Hàng trăm hộ dân mong mỏi chính quyền địa phương cần sớm đưa ra phương án tối ưu nhất trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được xây nhà để ở một cách hợp pháp, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Hàng trăm hộ dân mong mỏi chính quyền địa phương cần sớm đưa ra phương án tối ưu nhất trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được xây nhà để ở một cách hợp pháp, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Hiện nay người dân và lãnh đạo xã Xuân Bắc đang ngày đêm mong mỏi lãnh đạo các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo để chủ đầu tư sớm thực hiện dự án. Chính quyền địa phương cần sớm đưa ra phương án tối ưu nhất vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, số diện tích đất không nằm trong dự án của Công ty TNHH MTV Thọ Vực sớm có phương án giao cho địa phương quản lý, cấp giấy sổ đỏ đất cho người dân yên tâm sinh sống, an cư lập nghiệp và thuận lợi trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng.

Ngày 27/9, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, hiện tại ở xã Xuân Bắc khu vực đất đó có cả đất nông nghiệp và quy hoạch đất ở, nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất được. Vì từ ban đầu là đất của Công ty TNHH MTV Thọ Vực, sau đó chuyển cho Dofico và chưa chuyển lại cho địa phương để lập phương án sử dụng đất theo Luật Đất đai.

“Việc xây dựng nhà là không phù hợp với quy hoạch đất. Nhưng người dân thì đang gặp khó khăn, còn chính quyền thì không xử lý được. Hiện nay huyện Xuân Lộc đang thành lập tổ công tác phối hợp với Công ty TNHH MTV Thọ Vực rà soát hết lại vấn đề trên. Sau đó chúng tôi sẽ có báo cáo đề xuất lên UBND tỉnh Đồng Nai để có hướng tháo gỡ những khó khăn của người dân cũng như công tác quản lý của địa phương”, ông Nguyễn Văn Linh nói.