Đồng Nai: Nhiều doanh nghiệp thiếu lao động khi hoạt động trở lại

TRƯƠNG HIỆU
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có trên 40.000 người lao động về quê. Bên cạnh đó, nhiều công nhân lao động vẫn chưa được tiêm vaccine, chưa đủ điều kiện để được đi làm trở lại. Thực trạng khiến cho nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nhân công khi hoạt động trở lại.

Nhiều công ty lớn thiếu công nhân
Ngày 7/10/2021, Công ty Pou Chen Việt Nam (đóng tại phường Hóa An, TP Hiên Hòa) đã mở cửa hoạt động sản xuất trở lại. Theo kế hoạch, công ty này có 1.500 công nhân ở các “vùng xanh”/tổng 16.000 công nhân được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai duyệt cho đi làm trở lại. Tuy nhiên, theo bộ phân nhân sự của công ty, ngày đầu tiên trong số 1.500 công nhân được đi làm trở lại thì chỉ có chưa đến 1.000 công nhân đến công ty làm việc.
 Công nhân Công ty Pou Chen Việt Nam ngày đầu đi làm trở lại sau 3 tháng ngừng hoạt động để phòng chống Covid-19
Công nhân của Công ty Pou Chen Việt Nam trở lại làm việc đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, công nhân ký bản cam kết với công ty thực hiện phòng chống dịch Covid-19, thực hiện các thao tác đảm bảo y tế phòng dịch trước khi đến nơi làm việc, tại nơi làm việc và sau khi kết thúc công việc. Đồng thời khai báo y tế điện tử theo quy định, cài đặt ứng dụng, công nghệ phục phụ phòng chống dịch.
Công ty TNHH Advanced Multitech (đóng tại huyện Nhơn Trạch) cho biết trong nhiều năm nay công ty có trên 1.700 công nhân làm việc ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty chỉ giữ 200 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Số công nhân còn lại nằm trong khu vực phong tỏa hoặc đã được hỗ trợ về quê ở các tỉnh. Hiện công ty đang lên kế hoạch bổ sung lại lực lượng công nhân lao động, đảm bảo cho kế hoạch sản xuất trong 3 tháng cuối năm 2021.
Còn tại Công ty TNHH Dệt may Eclat (huyện Nhơn Trạch), công ty có trên 5.000 lao động chuyên về may mặc vẫn chưa thể hoạt động trở lại do thiếu lao động, không đảm bảo sản xuất. Mặt khác, lao động của công ty ở “vùng xanh” rất ít nên nếu công ty mở cửa trở lại thì lực lượng lao động rất mỏng, khó có thể khôi phục sản xuất nhanh.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (đóng tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết: Công ty cũng vừa được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã chấp thuận cho trên 5.000 lao động “vùng xanh”/tổng 25.000 lao động của công ty được trở lại làm việc, bắt đầu từ ngày 5/10.
 Công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam ngày đầu đi làm trở lại đang xếp hàng chờ xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 trước khi vào nhà máy làm việc
Thiếu công nhân “vùng xanh”, nhiều công nhân chưa đủ điều kiện
Điểm tên một số doanh nghiệp lớn tại tỉnh Đồng Nai hiện đã hoạt động sản xuất trở lại, gồm: Công ty Cổ phần Tae Kwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), Công ty TNHH Sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức), Công ty TNHH giày Đồng Nai Việt Vinh, Công ty Pou Chen Việt Nam, Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Trảng Bom), Công ty TNHH Elite Long Thành (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn)...
Đây là những công ty có sử đụng số lượng lao động rất lớn tại các khu công nghiệp trong tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên các doanh nghiệp này có cùng chung nỗi lo về thiếu hụt lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Theo nhận định từ các doanh nghiệp, nguyên nhân sự thiếu hụt lao động là do các lao động này đã về quê tránh dịch Covid-19, hiện chưa đủ điều kiện quay trở lại làm việc.
Mặt khác, số lượng lao động ở trong các “vùng xanh” đủ điều kiện để đi làm là rất ít. Theo quy định hiện nay của tỉnh Đồng Nai, công nhân được trở lại sản xuất phải đáp ứng điều kiện ở các phường/xã, ấp/khu phố thuộc “vùng xanh”. Còn lao động của các "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng vàng" vẫn chưa thể quay lại doanh nghiệp làm việc.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam cho rằng: “Hiện công ty chỉ có 1/5 tổng số công nhân là đang ở “vùng xanh” đủ điều kiện được đi làm, vì vậy hiện công ty đang thiếu rất nhiều lao động”.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, nhiều lao động đang muốn trở lại làm việc để có thu nhập nhưng chưa đủ điều kiện vì còn nằm trong vùng phong tỏa, cách ly y tế. Tới đây, nếu việc sản xuất đi vào ổn định, công ty sẽ tuyển dụng thêm lao động ở những “vùng xanh” để đảm bảo nguồn lực và hoạt động sản xuất trong tình hình mới.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 31 khu công nghiệp, thu hút 1,2 triệu lao động. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chỉ có hơn 134.000 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, tính đến nay đã có 30 doanh nghiệp được chấp thuận hoạt động trở lại với tổng số trên 19.000 công nhân được lưu thông đi, về hằng ngày bằng xe cá nhân hoặc xe đưa rước.
Nhiều doanh nghiệp nhìn nhận, việc Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai giải quyết cho lao động trở lại làm việc sẽ giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Đặc biệt là các đơn hàng cuối năm có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp, đặc biệt là bổ sung thêm lao động “vùng xanh” vào làm việc để đáp ứng năng suất công việc.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay còn phải phụ thuộc độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 và việc chuyển vùng nguy cơ của các địa phương. Các doanh nghiệp mong muốn tỉnh tiếp tục ưu tiên tiêm vaccnie cho đội ngũ công nhân lao động. Vì trên thực tế hiện hiện nay, tại các doanh nghiệp nhiều công nhân lao động dù đang ở “vùng xanh” nhưng chưa được tiêm vaccine, vì vậy số công nhân này này hiện vẫn không đủ điều kiện để đi làm tại các công ty.
 Công nhân Công ty Pou Chen Việt Nam ngày đầu (ngày 7/10/2021) đi làm trở lại thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2
Nỗ lực quan tâm để thu hút người lao động quay trở lại
Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội và tạo điều kiện thuận lợi để công nhân sớm được đi làm. Đối với những công nhân đã về quê từ nhiều tháng trước và những ngày gần đây, phải chuẩn bị phương án tổ chức đón người lao động quay trở lại Đồng Nai sản xuất.
Đối với một số doanh nghiệp được phép sản xuất trở lại, không thể đủ điều kiện để đưa đón tất cả bằng xe ô tô, mà phải để người lao động tự đi bằng phương tiện xe máy. Tuy nhiên, mỗi người lao động cần nâng cao ý thức, chấp hành lộ trình đi từ nơi ở đến nhà máy làm việc và ngược lại.
Cũng theo ông Dũng, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tập trung, ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các đối tượng là nguồn lao động, để họ đảm bảo đủ điều kiện quay trở lại làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Hồ Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, cần tính toán kỹ đến bài toán di dân hiện nay, nếu tiếp tục diễn ra thì sẽ thiếu hụt lao động sản xuất. Muốn giải quyết được bài toán này phải nhanh chóng nới lỏng hoạt động sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, đồng thời có phương án sẵn sàng xử lý nếu phát sinh F0 trong doanh nghiệp. Việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sớm chừng nào tốt chừng ấy, giúp công nhân an tâm ở lại sản xuất.
Nhằm tạo thuận lợi cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong quá trình tham gia giao thông từ nơi ở đến nơi làm việc, bắt đầu từ ngày 7/10, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các địa phương bỏ nội dung cấp xác nhận người lao động di chuyển hàng ngày từ nơi cư trú đến nơi làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Và để hỗ trợ và khuyến khích công nhân lao động quay trở lại làm việc, hiện Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Nai đang thực hiện các gói hỗ trợ cho công nhân lao động tại các công ty...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần