Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai: Những người đón Xuân trong tầm “mắt lửa”

Trương Hiệu - Thanh Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) với trên 10.000ha. Tết năm nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc huy động gần 40 nhân viên thay phiên nhau trực phòng cháy rừng suốt ngày trên những tháp (chòi) canh cao chót vót, gọi là “mắt lửa”.

Làm bạn với gió rung, lá khua

Ông Hoàng Đình Long - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc ngước mặt lên trời cao và hỏi lớn “Ai ở trên đó?”, từ trên tháp (chòi) canh cao chót vót khoảng 40m thuộc chốt trực Phân trường Đầm Voi, anh nhân viên bảo vệ rừng nhoài người trả lời vọng xuống “em Nguyễn Ngọc Thành đây!”.

Những nhân viên giữ rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) tại ca trực phòng cháy rừng trên tháp (chòi) cao chót vót, ngày 31/1/2022 (tức ngày 29 Tết)
Những nhân viên giữ rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) tại ca trực phòng cháy rừng trên tháp (chòi) cao chót vót, ngày 31/1/2022 (tức ngày 29 Tết)

“Trực lâu chưa? Có buồn ngủ không?”, anh Long hỏi tiếp. “Dạ thưa anh, em trực từ 7 giờ sáng, khi mặt trời lên. Chúng em luôn canh giác suốt ngày đến chiều tối mới nghỉ, buồn ngủ thì không!”, nhân viên Thành đáp rồi tiếp tục nhiệm vụ ngồi trực phòng cháy rừng trên chòi cao của mình.

Tháp canh được kết cấu bằng sắt thép, vững chắc vươn lên giữa trời cao. Vào mùa xuân, đặc biệt dịp Tết về, gió hướng Nam thổi từ vùng biển tỉnh Bình Thuận vào vùng đất giáp ranh tỉnh Đồng Nai. Tháp canh luôn chịu sức gió mạnh, kèm theo hơi nóng mặt trời, khiến cho da mặt của những nhân viên trực phòng cháy rừng bị khô ráp và ửng đỏ. Có người da mặt bị tróc lên từng mảng.

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long đi thăm nhân viên trực trên các tháp cao trong ngày cuối năm.
Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long đi thăm nhân viên trực trên các tháp cao trong ngày cuối năm.

Những ai không quen độ cao, chỉ cần trèo lên tháp canh vài nấc thang là đã chóng mặt, run rẩy. Còn đối với nhân viên gác rừng, họ trèo lên tháp mỗi ngày. Mỗi buổi sáng các nhân viên phải mang theo cơm để ăn trưa ngay trên tháp canh và ngồi trực cho đến chiều.

Nhân viên Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Trực Tết, tôi vẫn mang theo phần cơm, thịt kho. Có hôm nắng gắt, đến trưa, phần cơm của anh em trực phòng cháy trên chòi canh bị ôi thiu, nhưng anh em vẫn phải ăn để trực hoàn thành nhiệm vụ”.

Nhân viên Nguyễn Ngọc Thành leo lên trực trên tháp canh.
Nhân viên Nguyễn Ngọc Thành leo lên trực trên tháp canh.

Ngày 31/1/2022 (tức ngày 29 Tết), mùa xuân đang về rộn ràng muôn nơi. Khu vực tháp canh của anh Thành nằm sâu trong rừng phòng hộ Xuân Lộc. Nơi đây không hề thấy bóng người nói cười vui xuân, không thấy hoa xuân nở rực rỡ. Anh Thành liên tục nhìn vào ống nhòm, đưa tầm mắt bao quát xung quanh chòi canh. Tất cả toàn một màu rừng xanh bạt ngàn. Trên tháp canh, gió và nắng thổi liên hồi, gây rát mặt người.

Trong khi đó, anh Trần Đăng Quý (phụ trách Phân trường Gia Phu), nơi khu vực rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) giáp với huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cho biết: Những ngày Tết, Phân trường có 5 nhân viên được chia thành 2 ca trực thay phiên, mỗi phiên trực 3 ngày liên tục. Nhân viên thường nói vui về công tác trực lửa trong rừng là “xuân này con không về”, vì đã vào mùa leo lên trực cháy rừng trên tháp canh là những ngày dài, miệt mài làm bạn với “gió rung và lá khua”.

Luôn cảnh giác với hỏa hoạn

Chúng tôi đi sâu vào khu vực rừng phòng hộ Xuân Lộc, thực hiện một vòng quanh diện tích khu rừng phòng hộ, ghé qua 6 Phân trường (trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) với tổng chiều dài khoảng 70km. Càng đi vào trong rừng sâu, con đường “mưa bùn nắng bụi” này càng ngoằn ngoèo, đầy dẫy “ổ voi” hiểm trở.

Rừng phòng hộ tập trung nhiều loại cây dầu, sao, keo và nhiều loại cây rừng khác. Diện tích rừng trải dài qua nhiều địa phận xã trong huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và tiếp giáp với các huyện Đức Linh, Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Những nhân viên trực phòng cháy rừng thường gọi “mùa xuân là mùa sợ hãi”.

Trực trên chòi cao, nhân viên thường xuyên sử dụng ống nhòm nhìn bao quát toàn bộ khu vực rừng xung quanh nhằm phát hiện sớm hỏa hoạn.
Trực trên chòi cao, nhân viên thường xuyên sử dụng ống nhòm nhìn bao quát toàn bộ khu vực rừng xung quanh nhằm phát hiện sớm hỏa hoạn.

“Vì chỉ cần chủ quan một chút để cho lửa rừng bốc cháy ở đâu đó, rồi không kịp chữa cháy, lửa bùng lớn lan ra… có thể làm chết cây rừng, thiệt hại tài sản rất lớn” - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long chia sẻ.

Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long vẫn không quên ký ức buồn về một vụ cháy xảy ra cách đây 20 năm. Anh Long cho biết: Năm đó vụ cháy rừng diễn ra một ngày đêm, cháy với diện tích rừng khoảng 30ha. Do những gốc cây rừng vừa bị đốn xong nên lửa âm ỉ bốc cháy bên trong rồi bùng lên khi có gió mạnh. Công tác phòng và chữa cháy lúc đó nhân viên chưa thuần thục.

“Thế nhưng vụ cháy “nhớ đời” đó dẫn đến hậu quả cấp trên buộc phải kỷ luật một giám đốc và một phó giám đốc. Chính vì bài học đó mà chúng tôi luôn nhắc nhở anh em nhân viên không được chủ quan lơ là trong công việc trực phòng cháy, đặc biệt trong dịp Tết” - Giám đốc Hoàng Đình Long chia sẻ.

Trong khi đó, tại Phân trường Gia Phu, anh Trần Đình Quý nhìn nhận: “Dù phân trường của tôi chưa từng xảy ra những vụ cháy rừng, nhưng những ngày Tết anh em càng hết sức cảnh giác hỏa hoạn. Quan trọng là công tác phát hiện lửa sớm và biết cách xử lý. Khi có khỏi tỏa ra từ nơi nào là nhân viên phải nhanh chóng báo động và phân bổ lực lượng chữa cháy đúng cách”.

Nhân viên Phân trường Đầm Voi chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy rừng.
Nhân viên Phân trường Đầm Voi chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy rừng.

Những ngày Tết, các nhân viên vừa phải đeo bám nhiệm vụ trực phòng cháy và phải đảm bảo không để xảy ra những vụ cháy dù là vụ cháy nhỏ. Hầu hết nhân viên đều phải tạm gác lại chuyện gia đình riêng tư để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ phòng cháy rừng.

Anh Nguyễn Văn Phúc (tổ trưởng ca trực tại Phân trường Đầm Voi) cho biết: “Hầu hết anh em nhân viên đều phải bàn bạc, xử lý công việc gia đình thật tốt trước khi thực hiện nhiệm vụ gác lửa trong rừng. Tôi là “vai chính” trong gia đình nhưng phải vào rừng trực suốt. Mọi việc thu xếp, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, mua sắm… trong gia đình vào những ngày Tết đến tôi đều phân công cho bà xã tôi gánh vác”.

“4 tại chỗ 3 sẵn sàng”…

Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc hiện đang quản lý trên 10.000ha rừng (gồm các loại rừng cây dầu, sao, keo và nhiều loại rừng khác). Diện tích rừng trải dài trên diện rộng thuộc nhiều xã trong huyện Xuân Lộc (thuộc tỉnh Đồng Nai) và tiếp giáp với các huyện Đức Linh, Tánh Linh (thuộc tỉnh Bình Thuận).

Tại các phân trường Láng Cát, Đầm Voi và Gia Phu, nơi tiếp giáp với tỉnh Bình Thuận, do thời tiết khô hanh, kèm theo gió xoáy, khiến cho nguy cơ xảy ra cháy rừng càng gay gắt hơn.

Anh Phạm Duy Thường (nhân viên Phân trường Núi Le, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) cho biết: “Chúng tôi vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ. Nơi đây có 7 nhân viên chia nhau trực cháy rừng thật nghiêm túc. Còn bà con tham gia giữa rừng phòng hộ thì họ cũng thực hiện tốt công tác phòng cháy rừng. Các hộ dân trang bị đầy đủ phương tiện như bình xịt nước đeo vai, máy xịt hơi thổi lá. Khi cần họ đáp ứng kịp thời phòng cháy rừng”.

Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc kiểm tra từng khu vực rừng phòng hộ. 
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc kiểm tra từng khu vực rừng phòng hộ. 

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Xuân Lộc, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2002, thời tiết trên địa bàn rừng phòng hộ đang trở nên khô hanh. Vì vậy nguy cơ xảy ra cháy rừng sẽ dễ chuyển trạng thái từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 (đây là cấp độ nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ cháy rừng).

Để đảm bảo tốt cho công tác phòng chống cháy rừng, trong những ngày Tết, tất cả lực lượng, thiết bị, phương tiện phòng chống cháy đều trong trạng thái trực sẵn sàng 24/24. Với phương châm “4 tại chỗ” (gồm lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (gồm chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời và khắc phục khẩn trương).

Ban quản lý rừng đi thăm, động viên và tặng lì xì cho nhân viên giữ rừng, ngày 29 Tết.
Ban quản lý rừng đi thăm, động viên và tặng lì xì cho nhân viên giữ rừng, ngày 29 Tết.

Đặc biệt, trong những ngày đón Tết, xuân về, các nhân viên tăng cường lực lượng trực gác, quan sát trên không và tuần tra mặt đất. Các nhân viên kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp người dân hút thuốc trong rừng, hay sử dụng lửa để hun khói bắt ong, bắt rắn,… dẫn đến nguy cơ làm phát sinh đám cháy.