Hiện giá chuối cấy mô tại tỉnh Đồng Nai - thủ phủ sản xuất chuối cấy mô đã bị tụt giảm xuống rất thấp so với mọi năm. Trong những ngày qua, những hộ nông dân trồng chuối tại huyện Trảng Bom gần như điêu đứng khi các thương lái thông báo ngưng mua chuối vườn.
Giá chuối rớt xuống từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg
Ông Trần Tiến (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) cho biết, ngày 6/1/2023 thương lái thông báo ngưng mua vườn chuối của ông. Còn một vườn chuối khác của ông Tiến, do thương lái đã đặt tiền cọc trước nên họ đang vào vườn của mình thu hoạch, khoảng 10 tấn chuối.
“Cách đây đây khoảng 5 ngày (đầu tháng 12/2024) thương lái đã đặt cọc chốt giá với vườn chuối của ông Tiến là 4.700 đồng/kg. Với giá này thương lái phải gạt bỏ rất nhiều chuối, trung bình với một quày (buồng) chuối, thương lái chỉ lựa lấy một vài nhánh (nải) chuối to đạt chất lượng. Bình quân mỗi một tấn chuối họ gạt bỏ từ 20 đến 30 %. Nhưng ngày hôm nay, thương lái đã ngưng lại không còn thu mua chuối nữa. Nhiều hộ trồng chuối năn nỉ thương lái mua với giá 2.000 đến 3.000 đồng/kg”.
Nhìn số chuối bị thương lái dạt ra, ông Tiến không khỏi xót xa. “Họ chỉ chọn những nải chuối đẹp nhất. Còn nếu trên nải chuối chỉ cần xuất hiện một vài vết đốm đen, hay da gà là thương lái đều phải bỏ ngay”.
Ghi nhận tại vườn chuối của ông Tiến đang thu hoạch, thương lái đã gạt bỏ từ 20 đến 30% sản lượng chuối thu hoạch. Còn tại vườn chuối của ông Hoàng Ngọc Bảy (ở xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), thương lái gạt bỏ từ 40 đến 50% sản lượng thu hoạch, do chất lượng chuối xấu hơn vườn chuối ông Tiến.
Được biết, vào thời điểm thu hoạch chuối đầu năm 2023, giá chuối giao động ở mức từ 9.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Nhưng đầu năm 2024 này giá chuối giảm xuống còn 3.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. “Giá chuối thấp đã và đang gây thiệt thòi cho người nông dân chúng tôi. Trong khi đó, năm nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nhân lao động… đều tăng. Hiện tại giá chuối bán ra quá thấp, khả năng không đủ bù lại chi phí đầu tư vào vườn chuối”, ông Bảy cho biết.
Tại huyện Trảng Bom, từ nhiều năm qua UBND huyện đã chủ trương khuyến khích nông dân tập trung phát triển trồng chuối cấy mô, vì mô hình này mang giá trị kinh tế cao. Huyện Trảng Bom hiện có diện tích trồng chuối hơn 3.000 héc ta, gần bằng 50% diện tích trồng chuối toàn tỉnh Đồng Nai.
Chuối được trồng nhiều tại các xã: Thanh Bình, Bàu Hàm, Sông Thao... Hiện tại các xã có diện tích chuối lớn đều đã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã chuối nhằm tạo liên kết để mời gọi doanh nghiệp đầu tư và tìm kiếm đầu ra. Khoảng 70% chuối của địa phương đang được thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc. Số còn lại tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Á, châu Âu.
Hầu hết người dân trồng chuối được Hội Nông dân tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăm bón cho vườn cây, nên hiệu quả vườn chuối mang lại chất lượng cao. Ông Từ Đức Bình - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bom cho biết, giá chuối năm nay quá thấp khiến cho tình hình người nông dân trồng chuối gặp quá nhiều khó khăn, thua lỗ nặng nề trong quá trình sản xuất chuối.
Cần nắm bắt thị trường, cân nhắc diện tích trồng
Tháng 2/2023, tỉnh Đồng Nai bắt đầu xuất khẩu chuối tươi ra thị trường nước ngoài, mở ra hướng mới trong việc xuất khẩu sản phẩm chuối tươi tại Đồng Nai và các tỉnh phía Nam sang thị trường các nước khu vực châu Á. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cây chuối cấy mô hiện thuộc tốp các cây trồng cho lợi nhuận cao. Vài năm trở lại đây, giá chuối cấy mô xuất khẩu thường bán được mức cao nên nông dân trồng chuối cấy mô thường thu được lợi nhuận tốt. Đây cũng là nguyên nhân diện tích cây trồng này không ngừng tăng nhanh trong những năm qua.
Theo báo cáo của Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN&PTNT, tỉnh Đồng Nai), diện tích trồng chuối ở tỉnh này tăng lên gần gấp đôi, từ hơn 7.300 héc ta vào năm 2016 tăng lên hơn 13.100 héc ta vào năm 2021. Diện tích chuối cấy mô xuất khẩu tăng nhanh do có nhiều lợi thế cho lợi nhuận cao hơn nhiều cây trồng khác.
Hiện tại tỉnh Đồng Nai có nhiều vùng chuyên canh cây chuối có truyền thống trồng lâu năm, nông dân giàu kinh nghiệm trồng, chăm sóc. Trong trường hợp loại cây này không phù hợp hoặc giá xuống quá thấp thì có thể dễ dàng chuyển sang mô hình sản xuất khác…
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện cả nước có 35 tỉnh với 286 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, Đồng Nai là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Toàn tỉnh hiện có 30 vùng trồng với diện tích 5.700 héc ta được cấp mã số; chiếm tỷ lệ 43% diện tích trồng chuối trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh cũng có 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số.
Thế nhưng, ngày 7/1/2023, trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, thời điểm hiện tại, thị trường chuối cấy mô ở Campuchia đang vào mùa thu hoạch. Diện tích trồng chuối của Campuchia tương đương với diện tích chuối của tỉnh Đồng Nai. Chuối có chất lượng cao, giá tốt, nên sức cạnh tranh trên thị trường chuối của toàn tỉnh cũng như trong cả nước bị cạnh tranh và ảnh hưởng đến giá thu mua, xuất khẩu cũng là chuyện bình thường.
“Chúng tôi luôn theo dõi nắm bắt thị trường chuối, các địa phương luôn tư vấn cho người nông dân cần nắm bắt thị trường chuối để cân nhắc trong việc tăng giảm diện tích trồng. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm chuối để đảm bảo thu hút được thị trường theo hướng bền vững”, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết.