Cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất
Theo quyết định, nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tỉnh Đồng Nai hiện đã cho phép doanh nghiệp tự chấm dứt phương án ''3 tại chỗ'' nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất (Hình minh hoạ của Trương Hiệu). |
Đồng thời hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid - 19”, tăng tính chủ động tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổ công tác sẽ lưu ý rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đầu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ngoài ra, Tổ công tác chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân. Từ đó, đề xuất với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, đến nay, các dự án của tỉnh đã thi công trở lại, tuy nhiên các công trình xây dựng mới chỉ có 45% lao động trở lại làm việc, trong khi đó giá cả các loại vật tư tăng cao. "Hiện tại Sở Kế hoạch & Đầu tư đang khảo sát lần thứ hai những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, những nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp cần hỗ trợ" - ông Hà cho biết.
Khó khăn của doanh nghiệp cơ bản đã được tháo gỡ
Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Hà, hiện nay, những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải đã cơ bản được tháo gỡ. Các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc) đã được tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời.
Về thực trạng lao động bỏ về quê trong thời gian qua làm ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp khi trở lại hoạt động sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, những lao động từ Đồng Nai về quê thời gian qua chủ yếu là về các địa phương tương đối gần với Đồng Nai, trong đó các tỉnh miền Tây khoảng 20 ngàn người, Tây Nguyên là 10 ngàn người.
Lượng công nhân lao động bỏ về quê trong thời gian qua, Đồng Nai tin tưởng người lao động sẽ sớm quay trở lại. (Ảnh: Trương Hiệu). |
Còn những tỉnh ở xa có phối hợp với Đồng Nai đưa công nhân về quê bằng xe buýt, tàu hỏa, máy bay nhưng chỉ với số lượng ít, (khoảng 5 ngàn người - PV), vì vậy khả năng thiếu lao động sẽ không quá lớn.
Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Thu Hiền, các tỉnh đều có chính sách thu hút lao động, tuy nhiên những năm qua chính sách của Đồng Nai tương đối ổn định. Do đó tin tưởng rằng người lao động sẽ sớm quay trở lại làm việc. Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, sẵn sàng tổ chức đưa đón công nhân trở lại làm việc trong những ngày tới.
Tỉnh Đồng Nai hiện đã cho phép doanh nghiệp tự chấm dứt phương án “3 tại chỗ” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” được tự quyết định duy trì hoặc chấm dứt phương án. Trong trường hợp tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp được hoán đổi, bổ sung lao động hoặc tổ chức cho người lao động đi, về hằng ngày.