Chương trình hội thảo quy tụ 10 chuyên gia quốc tế về giám sát bảo tồn voi và hơn 50 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý bảo tồn voi tại Việt Nam, cùng chia sẻ và thảo luận về cách thực hành hiệu quả nhất trong bảo tồn voi, áp dụng cho các quần thể voi nhỏ và phân mảnh trong các bối cảnh đặc thù của từng địa phương tại Việt Nam.
Hội thảo góp phần đáng kể giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam xác định được những hoạt động nào sẽ được lựa chọn trong giai đoạn cuối cùng, của quá trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn voi tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2032, tầm nhìn 2050.
Dữ liệu thu thập được và các chương trình thử nghiệm này là cơ sở để Đồng Nai có thể bảo tồn và tăng đàn trong thời gian tới, đồng thời nhân rộng ở các tỉnh có voi phân bố ở Việt Nam. Qua đó, giúp các địa phương trong cả nước có các giải pháp mang tính thực tiễn, phù hợp nhằm giảm thiểu xung đột giữa người và voi, hướng tới chung sống hài hòa trên cả nước.
Theo HSI, quần thể voi hoang dã tại Việt Nam suy giảm mạnh từ khoảng 2.000 (cá thể) xuống còn khoảng 100 - 130 con trong vòng 4 thập niên gần đây. Đồng Nai là nơi sống của quần thể voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước. Do vậy, Đồng Nai là một trong các tỉnh được ưu tiên cho công tác bảo tồn voi trong hai năm qua.
HSI đã thực hiện chương trình giám sát voi bằng bẫy ảnh để xây dựng một cơ sở dữ liệu có một không hai tại Việt Nam, định dạng từng cá thể voi được ghi nhận. Mỗi con voi đều có thẻ định dạng riêng, gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt giữa các cá thể, đặc điểm thể trạng và thuộc nhóm, đàn nào.
Những con voi đực trưởng thành như Ngà Lệch, Cát Tiên và Đất Đỏ đã được giám sát và định dạng thông qua các hình ảnh thu được tại nhiều điểm đặt bẫy ảnh thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và Công ty lâm nghiệp La Ngà (thuộc ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu và Định Quán).
Nhờ nguồn dữ liệu từ các bức ảnh và video về voi hoang dã ở Việt Nam với độ chi tiết chưa từng có, các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng số lượng cá thể tại Đồng Nai trên thực tế cao gấp đôi số liệu đã được ghi nhận trước đây, với khoảng từ 25 - 27 cá thể.
Bà Thẩm Hồng Phượng - Giám đốc quốc gia của HSI cho biết, quần thể voi của Việt Nam hiện nay quá nhỏ đến nỗi nếu chúng ta không hành động gấp rút để bảo vệ chúng, quần thể voi này sẽ phải đối mặt với khả năng tuyệt chủng thực sự. Khi voi và con người đều muốn có không gian trong cùng một môi trường sống hữu hạn, các tình huống xung đột có thể phát sinh và thậm chí trở nên trầm trọng hơn khi con người áp dụng các chiến thuật răn đe, hăm dọa hoặc bạo lực.
Ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, trong những năm qua, dữ liệu về địa điểm xảy ra xung đột, mức độ, tần suất xung đột, cũng như số lượng voi và phản ứng của chúng với các biện pháp giảm thiểu xung đột đã được thu thập.
“Với số lượng voi ít ỏi còn lại, nếu như vì xung đột mà chúng ta mất đi dù chỉ một con voi cũng sẽ là một thảm họa. Giám sát xung đột giữa người và voi thông qua sáng kiến này sẽ cải thiện các chiến lược bảo tồn, nhờ có được hiểu biết sâu sắc hơn về mong muốn, nhu cầu, môi trường sống và thói quen của voi“, ông Nguyễn Quốc Trị chia sẻ.
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên mong muốn áp dụng các sáng kiến mới trong nỗ lực bảo vệ các loài bị đe dọa. Việc mất con tê giác Java cuối cùng ở Vườn quốc gia Cát Tiên đã đặt ra yêu cầu chúng ta phải cứu các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác. Đồng thời phải đảm bảo Đồng Nai là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học quan trọng nhất ở Việt Nam.