Một khúc sông Buông có dấu hiệu ô nhiệm nặng nề, một màu nước trắng đục, đặc quánh, bốc mùi lan tỏa ra không gian. Dấu hiệu mọi sinh vật sống dưới sông đã kết thúc - Ảnh chụp ngày 23/4/2021 |
Cụ thể, hai doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính, gồm: Công ty cổ phần tài nguyên Toàn Cầu Minh (địa chỉ trụ sở chính tại G3 đường D3, khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM), do bà Nguyễn Thị Minh Hằng-Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này đại diện theo pháp luật.
Công ty TNHH Hóa An (địa chỉ trụ sở chính, văn phòng giao dịch số 93/73, khu phố 8, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa-Đồng Nai), do ông Trịnh Văn Đông-Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc công ty này đại diện theo pháp luật.
Hai doanh nghiệp trên đã tập kết cát, đá và xay rửa cát, đá nhưng không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định (tại Điểm d, khoản 2, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Hình thức xử phạt bổ sung cho là đình chỉ bãi tập kết đá và xay đá của Công ty cổ phần tài nguyên Toàn Cầu Minh, đình chỉ hoạt động bãi tập kết đá xây dựng của Công ty TNHH Nam Hóa An. Thời hạn đình chỉ cho hai công ty là 9 tháng và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
Một trong số 7 bãi tập kết cát, đá đã ngưng hoạt động và hiện trường vắng hoe không một bóng người - Anh chụp ngày 23/4/2021 |
Trước đó, Báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, liên quan đến tình trạng các doanh nghiệp tập kết vật liệu (cát, đá) và rửa cát, đá trên khu vực phường Phước Tân rồi xả thải thẳng xuống sông Buông khi chưa được cơ quan chức năng cho phép, khiến môi trường khu vực này bị ô nhiễm nặng nề.
Ngày 12/4/2021, UBND TP. Biên Hòa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lên đến 210 triệu đồng đối với chủ 3 doanh nghiệp (70 triệu đồng/mỗi doanh nghiệp). Các doanh nghiệp trên đã vi phạm tập kết vật liệu xây dựng không đảm bảo môi trường tại phường Phước Tân thuộc TP. Biên Hòa.
Các công ty bị xử phạt gồm có Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu đá Chuẩn (do ông Nguyễn Bảo Anh làm Tổng giám đốc); Công ty TNHH Nam Hóa An (do ông Trịnh Văn Đông làm Giám đốc); Công ty CP Tài nguyên Toàn Cầu Minh (do bà Nguyễn Thị Minh Hằng làm Giám đốc).
Một điểm tập kết cát đã cam kết thực hiện nghiêm việc ngưng hoạt động và đóng phạt, khắc phục lại môi trường. Hiện trường bãi cát cao ngất như núi vẫn còn nguyên vẹn |
Vào cuối tháng 3/2021, Đoàn kiểm tra của UBND TP. Biên Hòa đã đến các điểm tập kết vật liệu do người dân phản ánh. Đoàn đã kiểm tra đột xuất các bãi tập kết cát, đá không rõ nguồn gốc để sàng rửa tại phường Phước Tân.
Đoàn kiểm tra chỉ mới ghi nhận hiện trường dọc sông Buông (thuộc địa bàn phường Phước Tân) có 5 bãi cát tập kết số lượng cát và đá lên tới hàng trăm ngàn khối với một số công nhân làm việc có mặt tại các bãi cát cùng nhiều phương tiện là xe tải ben, xe múc. Trong một thời gian dài, các công ty này đã vi phạm tập kết vật liệu xây dựng nhưng không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.
Tính đến nay, đã công bố 7 doanh nghiệp hoạt động tập kết vật liệu cát, đá trên địa bàn UBND phường Phước Tân đã vi phạm bảo vệ môi trường, gồm cơ sở Khánh Tâm Phát, Công ty Huy Hùng, cơ sở Nguyễn Minh Đức, Công ty Toàn Cầu Minh, Công ty Nam Hóa An, Cơ sở Phạm Anh Vũ, Cơ sở Nguyễn Đức Chinh).
Trong những ngày qua, UBND phường Phước Tân đã tích cực đôn đốc việc thực hiện kiểm soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động tập kể vật liệu cát, đá trên khu vực phường. UBND phường đã mời các doanh nghiệp viết cam kết thức hiện ngừng hoạt động các bãi tập kết, thực hiện nghiêm các quy định xử phạt, bảo vệ môi trường…
Mặc dù các bãi tập kết (tại khu vực ấp Miễu, phường Phước Tân) đã ngưng hoạt động nhưng dòng nước sông Buông một màu trắng đục, nặng nề trôi. Cứu dòng sông Buông thơ mộng ngay lúc này có lẽ là chưa muộn |
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong những ngày qua, các bãi tập kết cát đá đã góp phần “bức tử” sông Buông đã yên ắng, không còn hoạt động kể từ khi có chỉ đạo của UBND TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, dòng nước sông Buông vẫn một màu trắng đục, nặng nề chảy. Việc trồng trọt hoa màu, rau củ quả của bà con nhân dân, cũng như không gian môi trường tại khu vực hai bên sông Buông vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo nhận định của người dân, mặc dù một số doanh nghiệp đã bị chính quyền địa phương xử phạt và đã ngưng hoạt động, nhưng dòng nước sông Buông vẫn oằn mình vì nước thải ô nhiễm. Đó là do phía thương nguồn, từ khu vực ấp Tân Cang vẫn còn hàng chục cơ sở khai thác đá, rửa đá và đổ nước thải ào ạt xuống sông Buông.